Thứ sáu, 26/04/2024 20:34 (GMT+7)
Thứ tư, 26/02/2020 16:16 (GMT+7)

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường

Theo dõi KTMT trên

Thời trang hiện là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường đã chỉ ra thực trạng quy mô của ngành thời trang ngày càng lớn thì sức tàn phá đối với môi trường sẽ càng khủng khiếp.

Những con số đáng báo động

Thời trang nhanh (fast fashion) đã phát triển bùng nổ và bành trướng trên toàn cầu kể từ thập niên 1990, khi giới trẻ bắt đầu ưa chuộng quần áo giá thấp theo xu hướng, thay vì những bộ trang phục được may đo kỹ lưỡng. Cũng từ đây, thời trang trở thành ngành công nghiệp đứng trong danh sách 10 ngành hủy hoại môi trường.

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy may mặc đã tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn và thải ra lượng khí thải CO2 khổng lồ. Ước tính tới 80% năng lượng dùng trong ngành thời trang là cho việc sản xuất vải. Người ta cũng cần lượng lớn nhiệt cho việc giặt, làm khô và nhuộm vải.

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường - Ảnh 1
Thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường xếp thứ 2 trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, lượng nước tiêu thụ trong ngành công nghiệp may mặc có thể đổ đầy 32 triệu hồ bơi của các cuộc thi Olympic. Theo UNCTAD, khoảng 93 tỉ m3 nước, đủ để đáp ứng nhu cầu của 5 triệu người, được ngành công nghiệp thời trang sử dụng hàng năm cho hoạt động sản xuất. Khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, hiện đang bị đổ xuống biển mỗi năm.

Các tổ chức môi trường ước tính, các nhãn hàng thời trang nhanh cần 2.650 lít nước để sản xuất một chiếc áo thun cotton; 20% lượng nước ô nhiễm trong ngành công nghiệp toàn cầu đến từ việc xử lý vải nhuộm dệt; chỉ có 20% trên tổng số vải được tái chế và 80% còn lại sẽ chôn dưới bãi rác.

Môi trường đang dần bị huỷ hoại...

Có những sự thật được phơi bày trong ngành thời trang, khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hết sức lo lắng. Hai phần ba lượng sợi sử dụng trong dệt may là sợi tổng hợp, vốn có cùng họ với nhựa. Trong khi túi nilon và ống hút nhựa đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường, khiến cả thế giới phải đau đầu xử lý, liên tục kêu gọi các phong trào bảo vệ môi trường. Trong đó, sợi tổng hợp sau chuỗi sản xuất và tiêu thụ quần áo của ngành thời trang đã nhanh chóng biến thành khối rác thải nhựa khổng lồ, trôi nổi trên các đại dương.

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường - Ảnh 2
Nguồn nước ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy sản xuất đồ may mặc. (Ảnh minh họa)

Việc tích hợp sợi nhựa tổng hợp vào sản xuất đồ may mặc khiến các hạt nhựa tổng hợp nhỏ li ti bị thải ra môi trường. Khi loại vải này được giặt trong máy giặt, chúng phân huỷ một phần thành các vi nhựa xả vào hệ thống thoát nước và đổ ra biển. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra rằng, những loại sinh vật dưới biển sẽ ăn chúng và cuối cùng các vi nhựa sẽ quay trở lại xâm lấn vào chuỗi thức ăn của con người.

Đáng nói hơn, nhiều nhà máy may mặc vì muốn tiết kiệm chi phí hoặc những yêu cầu rất khắt khe về xử lý chất thải, đã đổ thẳng các hóa chất chưa qua xử lý ra môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đe doạ trực tiếp tới sự sống của loài vật và con người xung quanh. Người ta đã phát hiện ra tỉ lệ cao về ung thư và các bệnh khác trong các cộng đồng sống gần nguồn nước xả thải từ các nhà máy may mặc.

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường - Ảnh 3
Nguồn nước bị ô nhiễm do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây bông. (Ảnh minh họa)

Tác hại của thời trang đến môi trường chưa dừng lại ở đó. Để đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp thời trang, khoảng 70 triệu cây xanh bị chặt hạ hàng năm để lấy đất trồng bông hoặc sản xuất vải viscose. Nguồn nước bị ô nhiễm đến từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây bông và thuốc nhuộm trong quá trình dệt vải. Ước tính, thiệt hại về cây xanh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.

Chỉ tính riêng ngành trồng bông, hầu hết bông vải được trồng trên thế giới đều đã bị biến đổi gen, kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao. Điều này dẫn tới sự ra đời của loại "siêu cỏ dại" có khả năng kháng thuốc trừ sâu. Chính vì thế, nông dân buộc phải dùng các loại thuốc chống cỏ dại độc hơn - đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ngành công nghiệp may mặc - ẩn hoạ khó lường

Sự phát triển nhanh chóng của các thương hiệu thời trang với sản phẩm quần áo giá rẻ, nhưng thời thượng đã dẫn tới một sự thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng. Với thói quen mua sắm hiện tại, phần lớn đồ may mặc trên thực tế không được mặc nhiều hoặc bị vứt bỏ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng do hỏng, không vừa hoặc “lỗi mốt”. Chúng ta đã vô tình hay cố ý tạo ra khối lượng rác thải khủng lồ trong ngành Thời trang trên toàn cầu. Hệ quả là sau khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp khó phân hủy không khác gì rác thải nhựa. Việc đốt bỏ quần áo còn thải ra môi trường các loại khí nhà kính tác động vào quá trình biến đổi khí hậu.

Đối với áo thun vải vicose là 1-6 tuần, áo vest linen là 2 tuần, vớ cotton 1 tuần đến 5 tháng, áo khoác denim là 10-20 tháng, áo len là 1-5 năm, cà vạt nilon là 30-40 năm. Kinh khủng nhất, túi da cần đến 50 năm và váy polyester là hơn 200 năm để có thể phân huỷ hết.

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường - Ảnh 4
Đằng sau vẻ hào nhoáng của ngành thời trang là các tác động xấu lên môi trường. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, việc thiêu hủy quần áo lại thải ra môi trường các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác động biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên. Con người đôi khi mua sắm "không kiểm soát" sẽ trở thành "tội đồ" làm tổn hại môi trường sống của mình.

Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường - Ảnh 5
Các loại vải sợi thân thiện môi trường sẽ giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, việc xanh hóa chuỗi cung ứng cho ngành thời trang thực sự là một vấn đề lớn cần được nghiên cứu. Việc dùng các loại vải sợi tổng hợp gây ô nhiễm có thể thay thế bằng các loại vải thân thiện môi trường như: vải lanh, tơ lụa, gai dầu, bông hữu cơ… Từ hành động nhỏ như đem cho, tặng quần áo cũ, lỗi mốt, giảm giặt giũ để tiết kiệm nước, giảm thải hoá chất... đến sự thay đổi cách thức sản xuất của ngành công nghiệp Thời trang, là vấn đề cần phải làm ngay nhằm cứu lấy hành tinh đang bị "bủa vây" bởi rác thải nguy hại.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Ngành công nghiệp thời trang và cái giá phải trả của môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới