Ngân hàng Nhà nước không cấp phép hoạt động cho ví điện tử Payer
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian và đây là tổ chức không được cấp phép đang hoạt động.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8, bà Nguyễn Thị Hồng đã trả lời câu hỏi xung quanh thông tin về hoạt động đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian. Ví điện tử Payer có hoạt động giao dịch lên tới hàng tỉ đồng có được cấp phép không và quản lý như thế nào?
Về hoạt động của ví điện tử, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, quy định rõ về nôi dung cũng như quy định đối với việc sử dụng ví điện tử, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng. Không được sử dụng ví điện tử vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng |
Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm hiện tại cơ quan này đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử.
Nhưng bà Hồng khẳng định: “Không có tổ chức nào có dịch vụ ví điện tử có tên gọi là Pay Asian. Đây là tổ chức không được cấp phép đang hoạt động. Sắp tới Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể”.
Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh về hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về đồng tiền chung châu Á tại Yên Bái có tên gọi Pay Asian, được dùng thanh toán qua ứng dụng ví điện tử Payer. Nhóm đối tượng này đã mời mọc, lôi kéo người dân tham gia vào hệ thống này sẽ được tiền thưởng như mô hình kinh doanh đa cấp, gây bức xúc dư luận…
Cụ thể, mỗi thành viên khi lôi kéo được người tham gia nộp số tiền 100 USD vào ứng dụng sẽ trực tiếp nhận được 2% trong tổng số tiền này, người thứ hai tham gia sẽ được hưởng 1%.
Người dân tham gia Payer đối mặt nguy cơ rủi ro lừa dối, mất tiền. |
Đáng chú ý, nhóm đối tượng này còn quảng cáo rằng sau ngày 30/4/2019, App Pay Asian sẽ được cấp phép chính thức tại Việt Nam và đồng Payer mới có giá trị để giao dịch.
Như vậy, đồng tiền Payer và hoạt động ví điện tử của Pay Asian không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam bởi Ngân hàng Nhà nước và người dân tham gia đối mặt nguy cơ rủi ro lừa dối, mất tiền.
Ngày 28/3, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an thành phố Yên Bái nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại nhà hàng Minh Huệ, địa chỉ tại số nhà 82, đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Yên Bái có một nhóm người đứng ra tụ tập, tổ chức cho khoảng 50 người dân nghe thuyết trình về đồng tiền chung châu Á, người thuyết trình là Giám đốc điều hành Công ty Pay Asian. Qua kiểm tra xác minh, Công an thành phố Yên Bái xác định hai người dân tại Yên Bái đứng ra liên hệ tổ chức và mời Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1981, thường trú tại xã An Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đỗ Văn Tuấn (sinh năm 1987, thường trú tại xã Kim Tân, huyện Kim Thành, Hải Dương) cùng một số người đi cùng lên Yên Bái để thuyết trình về tiền ảo này. Việc tổ chức buổi thuyết trình này chưa xin phép và cũng không được các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái cấp phép. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Mạnh không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến Công ty Pay Asian. Mạnh cũng khẳng định không phải là Giám đốc điều hành Công ty Pay Asian mà do người dân tự suy tôn lên và được một số người ở Yên Bái mời lên chia sẻ về đồng tiền này. Bà Trần Thị Thanh Hương (sinh năm 1955, thường trú tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã trình báo công an về việc bà đã nộp số tiền 100 triệu đồng vào tài khoản được gọi là ví thanh toán điện tử. Hiện, bà không thể rút số tiền 100 triệu đồng này ra khỏi tài khoản Payer. |
Kim Anh