Thứ bảy, 23/11/2024 01:41 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/04/2019 08:40 (GMT+7)

5 điểm cấm sử dụng ví điện tử trái pháp luật

Theo dõi KTMT trên

Cấm sử dụng ví điện tử nặc danh, mạo danh, dùng ví điện tử cho mục đích rửa tiền, gian lận, lừa đảo… là 5 điểm cấm theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ví điện tử.

5 điểm cấm sử dụng ví điện tử trái pháp luật - Ảnh 1

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Đáng chú ý, dự thảo bổ sung Điều 6a về các hành vi bị cấm như: sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; mua, bán, thuê, cho thuê, chuyển nhượng ví điện tử hoặc thông tin ví điện tử, mở hộ ví điện tử; mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh.

Cùng với đó là các hành vi: làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo giấy phép;…

Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư mới là các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) cung ứng dịch vụ ví điện tử; không bao gồm trường hợp các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong vai trò là tổ chức phát hành ví điện tử.

NHNN cho hay, việc sửa đổi Thông tư 39 theo hướng siết chặt các hành vi bị cấm nhằm ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ ví điện tử, giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức hoặc tham gia thực hiện các hoạt động rửa tiền, lừa đảo, gian lận và các hoạt động vi phạm quy định của pháp luật khác.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 8 về việc đảm bảo khả năng thanh toán. Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ phải thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ này. Cụ thể, mở tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ hoặc duy trì khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc các biện pháp đảm bảo khác.

Ngân hàng hợp tác là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo khả năng thanh toán cho các đơn vị chấp nhận thanh toán.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải tách bạch với tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng.

Tổng số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại thời điểm kết thúc ngày giao dịch.

Tài khoản đảm bảo thanh toán ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc: thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán; chuyển đến tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết với ví điện tử của khách hàng; hoàn trả tiền cho khách hàng khi có yêu cầu đóng ví điện tử hoặc trong trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử ngừng hoạt động, bị thu hồi giấy phép, giải thể hoặc phá sản.

Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán phải có thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về việc trả lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cho số dư tài khoản đảm bảo thanh toán (nếu có) và việc trả, thu các khoản phí phát sinh khi cung ứng các dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán và các dịch vụ trung gian thanh toán khác (nếu có) tách bạch với việc sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến giữa cuối năm 2018 có 27 đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép tại Việt Nam. Hơn 20 đơn vị là ví điện tử, còn lại là các dịch vụ khác như chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán…

Năm 2018, tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống kết nối thanh toán của CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 164% so với năm trước.

Ví điện tử được ví như “siêu ứng dụng”, cung cấp cho hách hàng nhiều dịch vụ thanh toán, dịch vụ gọi xe, đồ ăn, xem phim đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu trong gia đình như điện, nước… Đặc biệt, Việt Nam là thị trường đông dân, giới trẻ nhiều, thích công nghệ, tỷ lệ dùng smartphone cao và tỷ lệ người dân chưa có tài khoản ngân hàng còn cao.

Thời gian qua, nhiều ví điện tử tỏ rõ tham vọng bành trướng tại thị trường Việt Nam bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn, mở rộng thị phần. Trong năm 2018, số lượng khách hàng sử dụng ví điện tử MoMo đã đạt gần 10 triệu người dùng.Một số ví điện tử khác cũng tỏ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường bằng việc rải tiền để đầu tư, quảng bá hình ảnh như ví điện tử ZaloPay (của VNG) hay AirPay (của SEA), VCB Pay, YOLO của VPBank, Sacombank Pay, QuickPay (TPBank) hay Ví Việt (LienVietPostBank) và sự vào cuộc bứt phá mạnh mẽ của tên tuổi mới trên thị trường là Grab với Moca…

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết 5 điểm cấm sử dụng ví điện tử trái pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới