Nga ủng hộ dự thảo tuyên bố chung về rừng tại COP26
Ngày thứ 2 của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, cùng với lãnh đạo các nước Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết bảo tồn rừng để thực thi các cam kết khí hậu.
Việc bảo vệ rừng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và Nga sẽ dựa vào diện tích rừng rộng lớn của mình để đạt được các cam kết khí hậu.
Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin được ghi hình trước đó và phát tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin khẳng định việc bảo tồn các khu rừng và hệ sinh thái tự nhiên khác là yếu tố then chốt đối với thế giới trong việc giải quyết tình trạng Trái Đất ấm lên và giảm thiểu khí phát thải.
Bài phát biểu của ông Putin cũng nhấn mạnh Nga chiếm tới 20% diện tích rừng trên thế giới và Moskva đang nghiên cứu bảo tồn các khu rừng này, ngăn chặn nạn chặt phá rừng và các đám cháy rừng.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định muộn nhất, nước này sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060 và nước Nga sẽ thực hiện cam kết này dựa vào nguồn tài nguyên độc đáo của hệ sinh thái rừng, vốn có khả năng hấp thụ khí CO2 và thải ra khí ôxy.
Ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt để bảo tồn rừng, cải thiện năng lực quản lý, mở rộng diện tích rừng tái sinh đồng thời tăng đầu tư cho các hoạt động này.
Trước đó, tối 1/11, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, hơn 100 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này, thông qua đóng góp 19 tỉ USD vào quỹ đầu tư bảo vệ và phục hồi rừng.
Theo Chính phủ của Anh Quốc, nước chủ nhà của hội nghị COP26, tuyên bố chung này sẽ được hơn 100 quốc gia chiếm 85% diện tích rừng của thế giới thông qua. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, sáng kiến này, sẽ huy động 19,2 tỉ đôla đầu tư công và đầu tư tư nhân, là một hành động mang tính "thiết yếu" để thế giới đạt được mục tiêu kềm chế mức tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu ở 1,5°C.
Ông Johnson nhắc lại những khu rừng giống như là các lá phổi của hành tinh chúng ta, hấp thụ một phần quan trọng lượng khí carbon thải ra khí quyển, thậm chí rất thiết yếu cho sự tồn tại của nhân loại, thế mà diện tích rừng trên thế giới đang bị giảm đi với "nhịp độ đáng báo động", tức là cứ mỗi phút lại mất đi một diện tích tương đương với 27 sân bóng đá.
Theo hãng tin AFP, trong số các quốc gia ký kết, có Brazil và Nga, 2 nước vẫn bị chỉ trích đang đẩy nhanh việc phá rừng trên lãnh thổ của họ, cũng như có các nước lớn khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc và Pháp. Tuy nhiên, đối với nhiều tổ chức phi Chính phủ như Greenpeace, mục tiêu 2030 là "quá xa", và như vậy chẳng khác gì cho phép phá rừng thêm một thập niên nữa.
Cam kết về chống phá rừng được đưa ra sau khi hôm qua, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy "cứu lấy nhân loại", và theo ông, chúng ta "đang tự đào mồ chôn mình".
Tại hội nghị COP26, ngoài việc chống phá rừng, Chính phủ Brazil đã thông báo cam kết đạt trung hòa carbon từ đây đến năm 2050. Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì loan báo nước ông sẽ đạt mục tiêu này vào năm 2070. Thông báo này rất được chờ đợi, vì Ấn Độ là quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Còn theo hãng tin Reuters, gần 90 quốc gia đã tham gia một sáng kiến do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu khởi xướng nhằm giảm 30% lượng khí phát thải methane từ đây đến năm 2030.
Nguyễn Linh (T/h)