Thứ năm, 25/04/2024 14:52 (GMT+7)
Thứ tư, 19/01/2022 16:16 (GMT+7)

Nếu 'theo kịch bản' nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng

Theo dõi KTMT trên

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng. Càng về cuối thế kỷ mức tăng nhiệt độ càng cao.

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có nhiều nội dung quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.

Việc cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 và Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia là tài liệu hữu ích để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tại các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cơ quan, địa phương.

Nếu 'theo kịch bản' nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng - Ảnh 1
Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. (Ảnh minh họa)

Về nhiệt độ, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21, càng về cuối thế kỷ mức tăng nhiệt độ càng cao. Khu vực phía Bắc luôn có mức tăng cao nhất, giảm dần về phía Nam, thấp nhất ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các trạm đảo.

Về lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa đều có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước; lượng mưa mùa khô có xu thế tăng với mức tăng phổ biến từ 8 - 20% vào giữa thế kỷ và tăng phổ biến từ 10 - 25% vào cuối thế kỷ, trong đó, tăng cao nhất ở ven biển Đông Bắc, tăng thấp nhất ở Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.

Cũng theo Kịch bản 2020, một số hiện tượng cực đoan như số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ trong các giai đoạn của thế kỷ 21; số ngày rét đậm có xu thế giảm với mức giảm phổ biến từ 5 - 20 ngày, ở khu vực núi cao mức giảm có thể lớn hơn mức phổ biến từ 10 - 30 ngày; số ngày rét hại có xu thế biến đổi tương tự số ngày rét đậm tuy nhiên mức giảm thấp hơn, giảm phổ biến từ 5 - 10 ngày, ở khu vực núi cao Bắc Bộ có xu thế giảm nhiều hơn có thể tới 30 ngày; số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước trong các giai đoạn của thế kỷ 21.

Đến cuối thế kỷ 21, số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.

Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 được cập nhật trên cơ sở Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2013; Báo cáo đặc biệt về sự ấm lên toàn cầu vượt ngưỡng 1.5°C (IPCC, 2018); Báo cáo đặc biệt về biến đổi khí hậu và đất (IPCC, 2019); Báo cáo đặc biệt về thay đổi đại dương và thay đổi băng quyển (IPCC, 2019) và kế thừa từ Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016; số liệu quan trắc khí tượng thủy văn và mực nước biển cập nhật đến năm 2018, số liệu địa hình cập nhật đến năm 2020; xu thế biến đổi của khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam cập nhật đến năm 2018; các mô hình khí hậu toàn cầu và mô hình khí hậu khu vực độ phân giải cao cho khu vực Việt Nam; các nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

Nếu 'theo kịch bản' nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng - Ảnh 2
Lượng mưa mùa mưa đều có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc, Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Bjerknes của Na Uy, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Khí tượng Nhật Bản, dự án chi tiết hóa khí hậu khu vực Đông Nam Á (SEACLID/CORDEX).

Kịch bản biến đổi khí hậu nêu lên sự biến đổi trong thế kỷ 21 của các yếu tố khí hậu như nhiệt độ (nhiệt độ trung bình năm, mùa và nhiệt độ cực trị), lượng mưa (mưa năm, mưa trong các mùa hoàn lưu, mùa khô, mùa mưa, mưa cực trị) và một số hiện tượng khí hậu cực đoan (bão và áp thấp nhiệt đới, số ngày rét đậm, rét hại, số ngày nắng nóng và hạn hán).

Kịch bản nước biển dâng xét đến xu thế dâng cao của mực nước biển trung bình do biến đổi khí hậu (giãn nở nhiệt và động lực; tan băng của các sông băng, núi băng trên lục địa; cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Greenland; cân bằng khối lượng bề mặt băng ở Nam Cực; động lực băng ở Greenland; động lực băng ở Nam Cực; thay đổi lượng trữ nước trên lục địa; và điều chỉnh đẳng tĩnh băng).

Bản đồ nguy cơ ngập được xây dựng dựa trên mực nước biển dâng trung bình do biến đổi khí hậu và mô hình số độ cao các tỉ lệ 1:2.000; 1:5000; 1:10000 được cập nhật đến năm 2020.

Các yếu tố động lực khác có liên quan như sự nâng hạ địa chất, sự thay đổi địa hình, sụt lún đất do khai thác nước ngầm, thay đổi đường bờ biển, ảnh hưởng của thủy triều, nước dâng do bão, nước dâng do gió mùa, ảnh hưởng của các công trình thủy điện bậc thang, xâm nhập mặn,… chưa được xét đến trong kịch bản này. Các công trình giao thông và thủy lợi như đê biển, đê sông, đê bao, đường giao thông,… cũng chưa được xét đến khi xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng.  

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nếu 'theo kịch bản' nhiệt độ trung bình và lượng mưa đều có xu hướng tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.