Nét đẹp trong phong tục bảo vệ rừng của người dân tộc
Những khu rừng xanh luôn được bảo vệ, giữ gìn nhờ những phong tục, tập quán truyền thống của các đồng bào dân tộc. Bởi họ coi bảo vệ rừng xanh cũng chính là bảo vệ ngôi nhà của mình.
Từ ngàn đời nay, các đồng bào dân tộc sinh sống dựa vào thiên nhiên, họ bám rừng, bám núi để mưu sinh. Rừng mang đến cho họ không khí trong lành, bảo vệ khỏi thiên tai, lũ lụt; rừng còn cung cấp cho họ các loại hoa, cây trái... Vì vậy, lễ cúng rừng được coi là một nét văn hóa độc đáo liên quan đến phong tục, tập quán tín ngưỡng, gắn với bảo vệ rừng của các đồng bào dân tộc. Nhờ đó, bao đời nay những khu rừng thiêng, khu rừng cấm đã tồn tại như một báu vật của đồng bào.
Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, sinh sống trong điều kiện tự nhiên rất đa dạng, từ ven biển, đồng bằng, trung du đến vùng núi cao. Để tồn tại và phát triển, các tộc người ở nước ta đã có nhiều cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên, điển hình là các luật tục, các tri thức bản địa gắn với tâm linh. Để từ đó, một mặt có thể khai thác các nguồn tài nguyên mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho họ, nhưng đồng thời cũng bảo vệ được nguồn tài nguyên này để cho con cháu mai sau. Vì vậy, mỗi dân tộc sẽ có một luật lệ khác nhau, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào mình.
Độc đáo nghi lễ tạ ơn Thần Rừng của dân tộc Nùng, Mông ở Tuyên Quang
Các đồng bào dân tộc Nùng, Mông ở Tuyên Quang quan niệm rằng, mỗi khu rừng đều có thần cai quản. Vào rừng muốn chặt cây thì phải xin phép thần, hằng năm phải trồng thêm cây non vào mỗi mùa xuân để rừng luôn xanh tốt.
Để tạ ơn thần rừng, năm nào vào dịp đầu xuân đồng bào cũng tổ chức lễ cúng ngay tại khu rừng thiêng. Trong khu rừng này, mọi người dân trong thôn bản đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong rừng...
Vị trí lập bàn thờ cúng Thần Rừng là một gốc cây to nhất của khu rừng. Vào ngày diễn ra buổi lễ, đồng bào tập trung tại khu làm lễ vệ sinh sạch sẽ xung quanh gốc cây cổ thụ để lấy không gian tổ chức nghi lễ. Ngoài ra, đồng bào còn chuẩn bị lễ vật dâng thần rừng cùng thực phẩm và vật dụng để sử dụng ngay trong lễ cúng rừng.
Nghi lễ cúng Thần Rừng của đồng bào Mông, Nùng không chỉ có ý nghĩa tạ ơn thần rừng đã cai quản rừng xanh giúp con người, mà còn là một hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc. Đây là hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết cộng đồng, nâng cao sự hiểu biết của người dân về vai trò của rừng đối với cuộc sống, từ đó mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng thiêng của bản làng.
Di sản văn hóa - lễ cúng rừng của người Mông ở Si Ma Cai
Lễ cúng rừng của người Mông Si Ma Cai là lễ hội truyền thống, được hình thành từ rất lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của người Mông nơi đại ngàn Si Ma Cai. Đây là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo mà thông qua đó người Mông cầu cho những cánh rừng sinh sôi, phát triển; một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nuôi sống con người, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, đoàn kết…
Theo đó, cứ vào dịp tháng 2, tháng 6 âm lịch hàng năm, người Mông huyện Si Ma Cai lại cùng nhau tổ chức nghi lễ cúng rừng. Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng, lễ cúng rừng còn là dịp để giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương. Đồng thời, lễ cúng rừng còn mang ý nghĩa đoàn kết trong cộng đồng các thôn bản người Mông ở khu vực biên giới, nhằm giữ gìn bình yên cho bản làng, tương trợ lẫn nhau trước thế lực của kẻ thù ngoại bang.
Theo ông Vù Seo Phần (xã Si Ma Cai), do đặc thù ở vị trí giáp biên, dân cư thưa thớt nên tình trạng giặc phỉ quấy nhiễu, cướp của cải của bà con diễn ra thường xuyên. Vì vậy, việc tổ chức nghi lễ ăn thề bảo vệ rừng là dịp để đại diện các thôn bản trên địa bàn các xã (nơi tổ chức nghi lễ cúng rừng của huyện Si Ma Cai và các xã lân cận) cùng giao ước với nhau thông qua việc đồng lòng tương trợ khi giặc giã đến, ôn lại lịch sử đoàn kết chống giặc giã, giữ yên bờ cõi.
Trong khu rừng có nhiều cây quý hiếm, nhưng có một cây cổ thụ to nhất được coi là cây thiêng, không ai dám chặt phá, đó là cây đa cổ thụ. Dưới gốc cây thiêng là nơi để tổ chức các nghi lễ cầu cúng, mọi người đều tự nguyện bảo vệ không một ai dám vi phạm các điều quy định tại rừng hay làm những việc không được phép diễn ra trong khu rừng.
Với những ý nghĩa tâm linh và nhân văn, lễ hội cúng rừng của người Mông huyện Si Ma Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây sẽ là động lực để đồng bào Mông tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đoàn kết giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, môi trường sống.
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo (Hà Giang
Trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng, nơi thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn…
Với người Pu Péo, thần rừng (Sau ngun hay Sau nguôn) có vị trí đặc biệt quan trọng và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng. Người Pu Péo cũng cho rằng thần rừng là chủ nhân của rừng cấm. Bởi rừng cấm là nơi ở của nhiều vị thần khác, tổ tiên từ nhiều đời trước, không còn được thờ cúng trong gia đình; là nơi dừng chân, hội tụ của thế giới các vị thần mỗi khi qua lại và gặp nhau.
Bên cạnh đó, người Pu Péo còn lưu giữ câu chuyện về nguồn gốc lễ cúng thần rừng như sau: ở vùng cao heo hút có ông thần lạ, ai muốn chặt cây, đốt nương phải xin phép thần ưng thuận thì mới được vác rìu, vác cuốc tới.
Lễ cúng thần rừng được tổ chức hằng năm vào ngày 6/6 âm lịch, tại thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Đây là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo. Lễ cúng tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng bản, nâng cao ý thức gìn giữ khu rừng cấm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đang ngày càng cạn kiệt và nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào. Với các giá trị văn hóa đại diện cho bản sắc của cộng đồng người Pu Péo, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Thùy Linh