Nestle chi hơn 3 tỉ USD cho mục tiêu giảm 50% khí thải carbon
Nestle cho biết tập đoàn đã thải ra 92 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018 và đây sẽ là mức cơ sở đánh giá tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải.
Ngày 3/12, tập đoàn thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới Nestle, có trụ sở tại Thụy Sĩ, đã công bố một chương trình có trị giá khoảng 3,6 tỉ USD nhằm hướng tới mục tiêu giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030.
Nestle cho biết tập đoàn đã thải ra 92 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018 và đây sẽ là mức cơ sở đánh giá tiến bộ trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải.
Cũng nhằm đưa lượng khí thải về mức 0 vào năm 2050, lộ trình dài hạn mới của Nestle kêu gọi 800 nhà máy cũng như cơ sở sản xuất của tập đoàn trên khắp thế giới chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025. Tập đoàn cũng dự kiến trong 10 năm tới sẽ trồng 20 triệu cây xanh mỗi năm nhằm góp phần tái sinh rừng.
Bên cạnh đó, tập đoàn sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như KitKat, Nespresso và Maggi cũng cho biết đang hợp tác với hàng nghìn nhà cung cấp và nông dân để thực hành nông nghiệp tái sinh.
Nestle cũng thông báo hãng đang tăng cường các sản phẩm có nguồn gốc thực vật với một số thương hiệu về thực phẩm ăn chay dự kiến sẽ trung hòa carbon trong vài năm tới. Ước tính những thay đổi như trên sẽ "ngốn" khoảng 3,6 tỉ USD ngân sách của tập đoàn.
Nestle công bố kế hoạch trên trong bối cảnh nhiều nhà bảo vệ môi trường thường chỉ trích hoạt động sản xuất và kinh doanh của tập đoàn này gây ô nhiễm môi trường và tàn phá thiên nhiên.
Mới đây, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace (Hòa bình Xanh) khẳng định Nestle, cùng với các tập đoàn Coca-Cola và PepsiCo là những thương hiệu thải ra nhiều rác thải nhựa nhiều nhất thế giới trong ba năm liên tiếp.
Năm ngoái, tổ chức này cũng cáo buộc Nestle và Unilever vi phạm cam kết đưa ra năm 2010 về chấm dứt hoạt động phá rừng trong một thập kỷ, trong khi tốc độ phá rừng để sản xuất và kinh doanh hàng hóa của hai hãng lại tăng mạnh.
Năm ngoái, Nestle đã mở một viện nghiên cứu ở thành phố Lausanne, miền Tây Thụy Sĩ, nhằm nghiên cứu các giải pháp thay cho bao bì nhựa, tiến tới mục tiêu sử dụng 100% bao bì có thể tái chế vào năm 2025.
Nguyễn Hằng