Nâng tầm tinh hoa trà cổ thụ tại Lễ Hội trà Shan tuyết vùng đất Văn Chấn, Yên Bái
Lần đầu tiên, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội Trà Shan tuyết nhằm giới thiệu những tinh hoa của sản phẩm địa phương với du khách.
Tối 22/9, UBND huyện Văn Chấn tổ chức lễ hội Trà Shan tuyết lần thứ nhất năm 2023.
Phát biểu lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - Đặng Duy Hiển cho biết: “Lễ hội này là một sự kiện đặc biệt quan trọng nhằm tôn vinh vùng chè trung du của tỉnh Yên Bái nói chung và trà Shan tuyết của huyện Văn Chấn nói riêng, để du khách trong và ngoài nước biết đến cây chè gắn với đời sống hàng ngày của bà con nhân dân, là giống cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra còn tôn vinh người chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ quý hiếm, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ kính yêu về thăm Yên Bái và chào mừng 76 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn (30/9/1947 - 30/9/2023)”.
Được thiên nhiên ban tặng, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái có những vùng trà Shan tuyết cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm, mọc tự nhiên trên vùng núi cao, mây phủ quanh năm.
Với những tên gọi “cây chè tổ”, “cây chè cổ thụ” đã toát lên sự trân quý, gần gũi, gắn bó với bao thế hệ con người nơi đây. Những búp trà Shan tuyết được nuôi dưỡng, kết tinh từ linh khí của đất và trời, của những mạch nguồn tinh khiết, đã được ví như những viên ngọc quý, được lựa chọn và thu hái bằng tay.
Từ nhiều đời, qua bàn tay chế biến của các nghệ nhân, những người có kiến thức sâu rộng và tình yêu trà đã tạo nên những sản phẩm trà tinh tế, chất lượng nhất...Trong đó có nhiều sản phẩm trà đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao.
Tại Lễ khai mạc, các đại biểu, nhân dân và du khách được đón xem chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Tinh hoa giữa ngàn mây” gồm nhiều nội dung ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Văn Chấn gắn với trà Shan tuyết, bản sắc độc đáo riêng có của 18 dân tộc nơi đây; những tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại buổi lễ hội, nhiều sản phẩm trà đặc trưng của huyện Văn Chấn được giới thiệu tới du khách thông qua những bàn tay chuyên cần của đồng bào H’Mông cũng như các dân tộc khác quần cư nơi đây, tạo nên tinh hoa ẩm thực của núi rừng Tây Bắc nói chung và Văn Chấn, Yên Bái nói riêng.
Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp quảng bá hình ảnh địa phương với không gian sắc màu văn hoá các dân tộc Miền tây tỉnh Yên Bái và màn nghệ thuật khèn Mông - Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia và vòng xòe kết đoàn - di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Chia sẻ với phóng viên, anh Sùng A Hành, người sản xuất trà Shan tuyết Suối Giàng vừa chế biến vừa kể: "Gia đình tôi có một đồi trà cổ thụ được truyền từ nhiều đời, trà của gia đình hoàn toàn làm bằng tay, mỗi ngày trung bình chỉ chế biến được 4 kg thôi. Vẫn biết sản phẩm không thể làm được nhiều, nhưng những giá trị truyền thống sản xuất trà của gia đình vẫn phải lưu giữ chứ không để bị mai một được".
Đến với lễ hội trà Shan tuyết Văn Chấn năm 2023, anh Nguyễn Việt Dũng là một trong những người đam mê trà ở Hà Nội cho biết: "Tôi đi nhiều nơi và thích sưu tầm trà, nhưng đến với Văn Chấn, thực sự trà có nhiều điểm rất khác biệt, vị thơm của trà, thanh ngọt của nước nguồn nơi đây. Sản phẩm này tôi đã mua và sẽ giới thiệu cho những người bạn của tôi ở Hà Nội và các địa phương khác".
Lễ hội là dịp để huyện Văn Chấn giới thiệu hình ảnh sản phẩm đặc trưng trà cổ thụ Shan tuyết, đây cũng là dịp để quảng bá du lịch, giá trị văn hoá của địa phương đến du khách.
Đức Mậu