Chủ nhật, 28/04/2024 15:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/09/2023 07:40 (GMT+7)

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng”

Theo dõi KTMT trên

Câu chuyện hiến đất làm đường đã trở thành một phong trào lan tỏa sâu rộng ở huyện Lục Yên.

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 1
Con đường được mở rộng tại thị trấn Yên Thế (Lục Yên, Yên Bái) do người dân đồng tình hiến đất làm đường.

Những con đường rộng mở, sạch đẹp dân được thụ hưởng

Câu chuyện hiến đất làm đường không phải là hiếm, tuy nhiên, giờ đây, việc hiến đất mở rộng đường nó trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân huyện Lục Yên, từ các xã vùng sâu xa cho đến thị trấn thực sự là câu chuyện "mừng ra nước mắt".

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 2
Tuyến đường ở Lục Yên (Yên Bái) được mở rộng hơn khi người dân hiến đất làm đường.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Lục Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản trở thành huyện nông thôn mới. Xây dựng quê hương Lục Yên phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.

Để đạt được mục tiêu đó phải có sự vào chung tay của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Lục Yên, nhất là hoàn thành tiêu chí về cơ sở hạ tầng cũng đặc biệt quan trọng. Từ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, UBND huyện Lục Yên đã ký kết chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lục Yên về đẩy nhanh tiến độ, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cho đến nay, mảnh đất ngọc huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái xuất hiện ngày càng nhiều những tuyến đường to, hè thoáng. Có thể thấy những thành công nhất định trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương đáp ứng được phần lớn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương và phục vụ chính nhu cầu của người dân, trong khi đó, điều đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng chỉ với “0 đồng” ngày càng được nối dài. Điển hình phải kể tới tuyến đường Lục Yên - Bảo Yên; tuyến đường thuộc xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến; tuyến đường nối xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh...

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 3
Người dân huyện Lục Yên, Yên Bái vui vẻ đồng thuận ký vào biên bản hiến đất, cây cối, hoa màu để mở rộng đường.

Hay nhiều tuyến đường đi qua “đất vàng” tại thị trấn Yên Thế như đường Hoàng Văn Thụ, đường tại tổ dân phố 7... từ khi mô hình được nhân rộng, toàn huyện Lục Yên đã có trên 4.500 hộ dân hiến 556.328 m2 đất; 25.821 công trình, vật kiến trúc trên đất; 160.932 cây cối, ước tổng giá trị quy đổi trên 213 tỷ đồng.

Chia sẻ với Phóng viên về công tác giải phóng mặt bằng, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Lục Yên - ông Trần Tiến Hưng cho hay: "Để có nhà văn hóa được mở rộng thì cũng phải có mặt bằng rộng, nhưng để đền bù thì sẽ tốn rất nhiều tiền. Hay việc mở rộng đường giao thông, trước đây nhỏ, hẹp, chủ yếu cho xe máy đi, giờ đây nhu cầu người dân tăng cao, việc mở rộng đường để ô tô chạy tới tận của nhà thì người dân phải hiến đất để Nhà nước đầu tư đường. Nếu bằng số tiền ấy, nếu vừa đền bù giải phóng mặt bằng thì chỉ được một đoạn và đủ rộng theo quy định đường nông thôn miền núi. Nhưng nếu người dân hiến đất làm đường thì cùng số tiền ấy, đường được xây dựng dài hơn, rộng hơn".

Dân vận phải gần dân, cùng dân

Hiến đất là cho tài sản của gia đình làm của chung, những giá trị đã gắn bó với người dân từ bao đời, nhưng những giá trị mà khi họ hiến đất để mở rộng con đường sẽ là mãi mãi cho tương lai con cháu sau này.

Để có được con đường mở rộng, phong trào hiến đất làm đường rầm rộ như bây giờ cũng gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức đối với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo của huyện Lục Yên chứ không phải vận động một lần là xong.

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 4
Có gia đình tại Tổ dân phố 12, thị trấn Yên Thế (Lục Yên, Yên Bái) hiến cả một góc nhà để mở rộng đường giao thông.

Ông Trần Tiến Hưng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Lục Yên cho biết: "Chúng tôi phải áp dụng việc vận động từ xa đến gần, từ ngoài vào trong để vận động bà con người dân đồng thuận hiến đất. Với việc giao chỉ tiêu, nếu có mặt bằng thì lãnh đạo huyện Lục Yên sẽ báo cáo UBND tỉnh Yên Bái để đầu tư đường. Điển hình là tuyến đường Tân Lĩnh đi Minh Chuẩn (tuyến Lục Yên, Yên Bái – Bảo Yên, Lào Cai) với chiều dài gần 15 km".

Rồi có lần, khi Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái – Đỗ Đức Duy trực tiếp tiếp xúc cử tri, những người dân dọc tuyến đường này nêu ý kiến đồng thuận hiến đất làm đường, mở rộng đường. Ngay khi bà con đồng thuận thì UBND huyện Lục Yên và chính quyền địa phương cho bà con ký vào biên bản để triển khai, không những vậy, nhiều hộ dân còn chủ động làm đơn hiến đất làm đường, vạch vô đỏ vào cổng rào phần hiến cho cán bộ đo đạc.

Ngay cả khi lãnh đạo chính quyền địa phương có hỏi, bây giờ muốn lấy thêm đất làm đường có được không? Bà con đồng ý chấp nhận luôn. Từ đó các tuyến đường khác như Tân Tĩnh – Tân Lập – Phan Thanh, đường thuộc Tổ dân phố 12 Thị trấn Yên Thế… cũng được đông đảo bà con người dân hiến đất làm đường.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Lục Yên, để đạt được những kết quả ấy, có thể rút ra một số bài học trong công tác này. Trước hết, cán bộ, đảng viên từ cấp huyện đến cơ sở phải gần, sát, đồng cảm, chia sẻ, gần gũi với Nhân dân, thậm chí đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên Ban Chấp hành, các ngành đoàn thể của huyện phải xuống cùng với dân.

Phải kể tới thời điểm dịch Covid-19, khi lúa chín, gia đình bị cách ly, con cái đi làm ăn xa thì các ngành, đoàn thể cùng nhau tham gia gặt lúa hỗ trợ cho bà con như ở xã Khánh Hòa, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh… khi người dân gặp khó khăn thì chính quyền, đoàn thể giúp đỡ, đến khi chính quyền, đoàn thể vận động thì người dân cũng ủng hộ, đồng thuận.

Cách làm phải quyết liệt, rõ ràng, minh bạch. Khi người dân đồng thuận rồi thì cán bộ, đảng viên phải trực tiếp xuống làm cùng Nhân dân. Nhiều trường hợp người dân hiến đất, hiến vườn, nhưng cây cối của người dân được cán bộ, lực lượng dân quân, công an, quân đội… trực tiếp xuống xử lý cùng dân. Thậm chí trực tiếp Bí thư Huyện ủy Lục Yên – Hoàng Hữu Độ cũng xuống làm cùng bà con, lực lượng giải phóng mặt bằng.

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 5
Những con đường rộng thênh thang, phục vụ chính nhu cầu của người dân. Đây chính là kết quả của việc dân bàn, dân làm...

Huyện Lục Yên đặc biệt coi trọng công tác dân vận khéo. Động viên kịp thời, biểu dương cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu bằng nhiều hình thức. Việc hiến đất làm đường được chính quyền địa phương ghi danh vào cuốn sổ vàng được đặt ở nơi trang trọng của xã, thôn.

Tư tưởng của người dân phải được thông, đây là việc làm quan trọng nhất cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận. Có trường hợp tại tuyến đường Tân Lĩnh – Minh Chuẩn, một gia đình nằm ở đoạn cua khuất tầm nhìn, để nắn đường thẳng, to và đẹp thì lại chiếm vào nhà.

Gia đình này đã làm đơn hiến đất, về phần công trình nhà ở và một số tài sản thì kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tháo dỡ và di chuyển. Với hành động này, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy Lục Yên và chính quyền địa phương đã tham gia để tháo dỡ nhà, di chuyển nhà và tài sản của người dân sang nơi mới. Ngay cả hàng xóm, người dân trong xã Minh Chuẩn cũng nô nức tới tham gia tháo dỡ hỗ trợ gia đình này.

Hay có nhiều trường hợp cắt một phần cổng, sân, tường rào… thì chính quyền địa phương sửa cho người dân. Nhiều hộ dân giúp nhau và truyền tai nhau việc hiến đất làm đường có đường to, đường đẹp, vị trí đẹp… thì việc hiến đất làm đường đã và đang trở thành phong trào lan rộng khắp toàn huyện. Qua đó cho thấy tính cố kết cộng đồng người dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lục Yên rất cao.

Mới đây, vào tháng 6/2023, khi hay tin Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái – Đỗ Đức Duy đến tiếp xúc cử tri tại xã Khánh Thiện, nhiều người dân đã bàn bạc và kiến nghị với UBND xã Khánh Thiện đề xuất làm đường Yên Thế đi Khánh Thiện to, rộng 11 mét. Việc mở rộng đường sẽ chiếm vào nhà, vườn, cổng và tài sản của người dân. Ngay sau đó, Thường trực Huyện ủy Lục Yên đã tổ chức buổi làm việc với xã Yên Thắng, Mai Sơn và Khánh Thiện về việc giải phóng mặt bằng.

Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng” - Ảnh 6
Người dân vui vẻ, đồng thuận hiến đất mở rộng đường.

Với chủ trương của địa phương, việc giải phóng mặt bằng thì ở đâu có mặt bằng trước thì sẽ làm trước, trong khi đa số các hộ gia đình đều đồng thuận hiến đất làm đường to và rộng. Chính vì vậy, người dân các địa phương trong huyện Lục Yên cũng đua nhau hiến, người dân nơi đây luôn đua nhau bởi họ chỉ nghĩ rằng, tại sao đường ở nơi khác rộng và đẹp, tại sao ở đây đường lại không thể to và rộng được. Người dân từ đó cũng nhìn thấy được những lợi ích to lớn từ việc đường mở rộng.

Có thể thấy, công tác giải phóng mặt bằng đối với nhiều địa phương trở thành bài toán nan giải, khó khăn, tuy nhiên, ở huyện Lục Yên, về công tác này đúng như câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong"...

Đức Mậu

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái: Điểm sáng từ mô hình “dân biết, dân bàn … dân thụ hưởng”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới