Thứ sáu, 22/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/09/2022 14:52 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo cần đến tín dụng xanh để phát triển mạnh?

Theo dõi KTMT trên

Dòng vốn chảy vào tín dụng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án, kế hoạch có tính định hướng, chiến lược nhằm bảo vệ môi trường.

Tại diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam diễn ra lần thứ 2 với chủ đề “Hướng tới trung hòa Carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” đã đưa ra những vấn đề, trao đổi và phân tích để thấy được cơ hội cùng thách thức trong việc phát triển năng lượng sạch.

Mục tiêu của Việt Nam là đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo những gì đã cam kết. Muốn thu được kết quả đó, lĩnh vực năng lượng phải giảm ít nhất 32% vào năm 2030 và 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát thải trong điều kiện thường. Việc thay thế điện than bằng điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là hướng đi tất yếu cần phải thực hiện. 

Năng lượng tái tạo cần đến tín dụng xanh để phát triển mạnh? - Ảnh 1
Một trong những điểm gây khó khăn trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo chính là cơ chế giá. (Nguồn ảnh: Internet)

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đến năm 2021 dư nợ cấp tín dụng đối với dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 32,5% so với năm 2020. Trong đó dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo khoảng hơn 212.000 tỷ đồng (chiếm 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống). Có thể thấy mức đầu tư vào năng lượng tái tạo chiếm một vị trí quan trọng, được ưu tiên vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi của toàn bộ hệ sinh thái. 

Tuy nhiên, đối với các dự án năng lượng tái tạo, các tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn vì phải tính đến yếu tố hiệu quả thông qua các vấn đề: giá điện, thời gian thu hồi vốn, thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Để giải quyết được những khó khăn trên, Việt Nam cần phải có chính sách như hình thành Quỹ năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh để đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Một trong những điểm gây khó khăn trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo chính là cơ chế giá. Hiện nay, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ năng lượng truyền thống như nhiệt điện và thủy điện lớn. Một vấn đề nữa chính là việc mở rộng và khai thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án xanh, trong đó có năng lượng tái tạo đòi hỏi sự kết hợp từ nhiều phía nên phải có sự đồng bộ cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước cần đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý về tiêu chí môi trường và việc xác định đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát thực hiện cấp tín dụng xanh. 

Năng lượng tái tạo cần đến tín dụng xanh để phát triển mạnh? - Ảnh 2
Việc mở rộng và khai thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án xanh, trong đó có năng lượng tái tạo đòi hỏi sự kết hợp từ nhiều phía nên phải có sự đồng bộ cần thiết. (Ảnh minh họa)

Việt Nam cũng cần sớm xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách về thuế, phí, vốn đầu tư, kỹ thuật… của từng ngành, lĩnh vực được đồng bộ nhằm thu hút, phát huy tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh. Bên cạnh đó cần có sư nghiên cứu, xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp trong việc đầu tư dự án xanh, điển hình là dự án năng lượng tái tạo. 

Năng lượng tái tạo cần có nguồn vốn dài hạn vì thời gian hoàn vốn của các dự án này thường khá chậm, kéo dài trong nhiều năm. Nhưng việc phát triển, định hướng nguồn năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo là mục tiêu cần được thúc đẩy để hướng đến tương lai. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong đời sống cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe của con người. Có thể thấy những tác động tích cực nếu áp dụng các gói tín dụng xanh vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống năng lượng tái tạo ở Việt Nam. 

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo cần đến tín dụng xanh để phát triển mạnh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.