Thứ tư, 24/04/2024 16:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/12/2021 07:12 (GMT+7)

Năng lượng nguyên tử là giải pháp 'xanh' cho Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Đặc biệt, việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã tạo ra giống cây trồng có năng suất cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Mới đây, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 14 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Đồng thời là nơi gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Năng lượng nguyên tử là giải pháp 'xanh' cho Việt Nam? - Ảnh 1
Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. (Ảnh minh họa)

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trần Chí Thành nhấn mạnh, hội nghị là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam, mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Được biết, Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc gồm nhiều phiên với các ban chuyên môn tập trung vào các nội dung như: Ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân; Ứng dụng chùm nơtron của lò phản ứng nghiên cứu và một số kết quả tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; Bằng chứng thực nghiệm về hiện thực vật lý của photon đơn năng trong giao thoa hai khe bất đối xứng, một bằng chứng thực nghiệm đồng thời quan sát được lưỡng tính đối ngẫu cả sóng và hạt sẽ dẫn đến nhu cầu phải xem xét lại cách giải thích cơ học lượng tử chính thống đương đại, cho thấy thí nghiệm hai khe bất đối xứng với một chùm laser có thể là một minh họa đơn giản nhất của lời giải "khe nào" để xác định có hay không khái niệm thực thể vật lý của hạt vi mô...

Theo ban tổ chức, hội nghị cũng giới thiệu Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (Dự án) với thiết bị chính là lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt. Đây là dự án được thực hiện trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam, ký từ năm 2011.

Hội nghị cũng thảo luận các lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, ứng dụng của phương pháp định hướng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật lò phản ứng, bàn về ứng dụng dược chất phóng xạ sử dụng trong y học hạt nhân, đồng thời thảo luận vấn đề năng lượng hạt nhân có phải là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam.

Theo ThS Đỗ Ngọc Điệp, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), một trong những hướng đi tiềm năng là ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp xanh. Hiện việc sử dụng vi lượng đất hiếm cho thấy cây trồng, vật nuôi có sức khỏe tốt và vi lượng đất hiếm giống như dạng thực phẩm chức năng để bồi dưỡng cho cây trồng vật nuôi thông qua đường tiêu hóa để cho các loại cây trồng, vật nuôi này phát triển tốt hơn.

Việt Nam có tiềm năng về năng lượng nguyên tử

ThS Điệp cho biết, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên xây dựng chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 tập trung vào các lĩnh vực: Y tế; nông nghiệp; tài nguyên - môi trường; công nghiệp và xây dựng. Các chương trình được xây dựng dựa vào điều kiện tự nhiên và tiềm năng kinh tế địa phương với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và giải quyết các vấn đề của tỉnh.

Là tỉnh nổi tiếng với các sản phẩm từ chè, do vậy, đơn vị xây dựng chương trình đã đưa vào giải pháp để giảm chi phí về phân bón, tăng chất lượng cây chè thông qua các chế phẩm từ công nghệ chiếu xạ. Ngoài ra, nội dung chương trình cũng đề cập đến việc sử dụng các chế phẩm khác dành cho các cây ăn quả của tỉnh như: bưởi, na... nhằm mục đích giảm chi phí liên quan đến việc sử dụng các chất bảo quản hóa học, thuốc hóa học tăng trưởng cây ăn quả mà thay vào đó là các sản phẩm ít độc hại hơn từ công nghệ chiếu xạ.

Năng lượng nguyên tử là giải pháp 'xanh' cho Việt Nam? - Ảnh 2
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt)

Với lĩnh vực tài nguyên - môi trường, tỉnh Thái Nguyên triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ công tác quản lý ô nhiễm nguồn nước tại các khu công nghiệp, khu sản xuất; ứng dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị đánh giá ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước ngầm cấp nước cho các khu vực trên địa bàn tỉnh; ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong quản lý tài nguyên đất dốc, xói mòn.

Nói đến ứng dụng năng lượng hạt nhân, không thể không nhắc đến Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) - nơi duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ.

Theo TS Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, những năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu, sản xuất chất đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ các cơ sở y tế hạt nhân trong việc khám, điều trị bệnh ung thư. 

Mặt khác, theo đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia trên thế giới về chọn tạo giống bằng chiếu xạ đột biến.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã tạo ra một loạt giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cũng đang dần định hình để quan trắc và cảnh báo về các sự cố phóng xạ và hạt nhân lan truyền đến lãnh thổ Việt Nam.

Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ gồm: 54 giống lúa, 16 giống đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà... Đặc biệt, các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có thể thấy năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua mang lại nhiều giá trị kinh tế - xã hội to lớn trong: Y tế, đột biến gen tạo ra các giống mới, chiếu xạ bảo quản thực phẩm, trái cây...

Theo đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai giải pháp công nghệ vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, từ đó phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, các dự án ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm trong chăn nuôi đã được triển khai như: thủy hải sản; gia cầm, lợn và cây trồng.

“Sau thủy điện, năng lượng hạt nhân sẽ là lựa chọn hợp lý cho Việt Nam bởi đây là nguồn năng lượng không phát thải. Cùng với đó, các lò phản ứng đem lại lợi ích đáng kể như chi phí vận hành thấp so với máy điện truyền thống, tính ứng dụng kết hợp năng lượng sạch, có thể kết nối điện quốc gia, ứng dụng nhiều khía cạnh như khử mặn cho nước, thay thế than, phát triển năng lượng thân thiện môi trường, tạo nguồn điện sạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” - GS Saito, chuyên gia Mỹ, Anthony Wier đánh giá.

Lan Anh (T/

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng nguyên tử là giải pháp 'xanh' cho Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới