Thứ bảy, 20/04/2024 09:55 (GMT+7)
Thứ tư, 01/12/2021 07:00 (GMT+7)

Nhiên liệu hydro ‘xanh’ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro, giảm phát thải carbon.

Dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, vào năm 2030, tổng sản lượng hydro đạt hơn 200 triệu tấn, 70% trong số này sẽ được sản xuất từ các công nghệ carbon thấp như điện phân hoặc nhiên liệu hóa thạch; Đến năm 2050 có thể đạt trên 500 triệu tấn. 

Theo IEA, tiềm năng của hydro đóng vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng sạch, an toàn và bền vững. Hiện nay, nhu cầu hydro rất lớn, đạt khoảng 90 triệu tấn vào năm 2020, chủ yếu dùng cho lĩnh vực lọc dầu và sản xuất phân đạm. Tuy nhiên, phần lớn lượng hydro trên thế giới được sản xuất từ khí tự nhiên và than đá. Do việc sản xuất hydro từ 2 nguồn này, đã phát thải khí CO2 hàng năm lên đến 900 triệu tấn. 

Để cắt giảm tối đa lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất hydro theo công nghệ nói trên cũng như từ các nguồn khác, các quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu các công nghệ sản xuất hydro phát thải carbon thấp. Một trong những công nghệ sản xuất hydro carbon thấp được quan tâm nhất hiện nay là điện phân, khí hóa sinh khối và phân tách khí tự nhiên.

Nhiên liệu hydro ‘xanh’ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu - Ảnh 1
Tiềm năng của nhiên liệu hydro đóng vai trò quan trọng trong tương lai năng lượng sạch, an toàn và bền vững.

Hydro xanh được tạo ra thông qua quá trình điện phân nước, ở đó điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Hydro tạo ra từ điện phân có nhiều ưu điểm do chúng có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển.

Đồng thời, để đạt được mục tiêu về sản lượng hydro theo dự báo trên, IEA cho hay, đòi hỏi công suất điện phân lắp đặt từ 0,3 GW hiện nay lên gần 850 GW vào năm 2030 và 3.600 GW vào năm 2050.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng bắt đầu diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Hiện nay nhiều quốc gia và các Tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới đã bắt tay vào xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển hydro với mục tiêu trở thành những quốc gia, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành Công nghiệp hydro trong tương lai.

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro, giảm phát thải carbon.

Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế trong việc sản xuất hydro “xanh” từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Cụ thể, hydro được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước biển sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi và được vận chuyển về bờ bằng hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên sẵn có.

Tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam mang tầm cỡ thế giới theo các số liệu nêu trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đến 475 GW. Cùng với đó, Việt Nam nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có nhiều cảng biển. Đây là những yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cùng dự án hydro xanh, xuất khẩu cho các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc EU…

Việc kết hợp các dự án điện gió ngoài khơi với hydro xanh còn giảm bớt gánh nặng đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trong nước và giữ ổn định của hệ thống thông qua việc lưu trữ điện bằng pin hydro xanh, giải quyết được các thách thức đặt ra hiện nay trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung theo hướng xanh và bền vững.

Phát biểu ý kiến trực tuyến tại Tuần lễ Năng lượng Nga lần thứ IV vừa qua với chủ đề “Năng lượng toàn cầu: Chuyển đổi để phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo và đang trong quá trình xây dựng lộ trình hài hòa, hợp lý để chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…

Lộ trình này hoàn toàn tuân thủ tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về nghiên cứu, xây dựng và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp xu hướng chung của thế giới.

Để thực hiện quyết liệt lộ trình này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này hoàn toàn phù hợp xu thế phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh của thế giới cũng như của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiên liệu hydro ‘xanh’ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới