Nan giải chuyện đốt rác tự phát
Đốt rác thải sinh hoạt và các phụ phẩm nông nghiệp không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, TP.Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng.
Tình trạng đốt rác thải sinh hoạt và đốt các phụ phẩm nông nghiệp đang là tác nhân gây nên cháy nổ, làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, bên cạnh nguồn khí thải từ công nghiệp và hoạt động giao thông.
Đốt rác thải sinh hoạt và các phụ phẩm nông nghiệp không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Cùng với đó, tình trạng đốt rác thải bao gồm các loại vật liệu xây dựng, rác thải trong ngành may, rác thải sinh hoạt... vẫn diễn ra nhiều nơi xung quanh các quận nội thành cũng như khu vực ngoại thành. Những khu vực đất trống bị người dân đổ rác không đúng nơi quy định và người dân xử lý bằng cách đốt tại chỗ, vào những dịp cuối năm tình trạng trên xảy ra nhiều hơn.
Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rác nên vẫn còn hiện tượng đốt tự phát, thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát...
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, hành động một số người dân, đơn vị thu gom rác tại chỗ chọn giải pháp đốt là vi phạm quy định trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo ông Thái, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số đơn vị chưa đủ để thu gom chuyển về đơn vị tập trung, do mức xử phạt hiện nay đối với cá nhân và công ty thu gom rác chưa đủ sức răn đe.
Mức thấp nhất là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000kg và cao nhất là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 100.000 kg trở lên.
Tuy nhiên, mức phạt đó chưa giải quyết triệt để, trong thời gian tới, chính những nội dung này Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và chỉnh sửa, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các sở, tham mưu UBND Thành phố để đưa ra những chính sách thiết thực, có hiệu lực, hiệu quả hơn, đặc biệt phải nâng cao ý thức của người dân.
Ông Nguyễn Thái Thạch - chuyên gia ô nhiễm không khí độc lập phân tích, tình trạng người dân đốt rác tự phát diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương nhưng lại thiếu sự kiểm soát. Trong khi đó, hành vi đốt rác không phân loại rác ở trong không gian hở có thể phát tán nhiều chất ô nhiễm ra môi trường: “Nguồn gốc phát sinh ra bụi mịn trong không khí là do đốt hữu cơ có nhiều tạp chất như là giấy, gỗ, củi, than, dầu… Đốt bất cứ chất gì có nhiều tạp chất đều gây ra chất ô nhiễm trong đó có bụi mịn. Rác cũng là một thứ có nhiều tạp chất nên đốt rác khí có màu đen và ra rất nhiều chất gây ô nhiễm bao gồm bụi mịn”.
Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của hành vi đốt rác tự phát cũng cần thực hiện sớm để người dân có ý thức bảo vệ môi trường sống của bản thân và cộng đồng.
Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2021 không còn đốt rơm rạ
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Chỉ thị, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn; hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn; tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định hiện hành và triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Đến ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.
Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Bảo My