Nam Định: Hiệu quả từ việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường ở huyện Giao Thủy
Thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2025, huyện Giao Thủy (Nam Định) đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường - một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xác định công tác bảo vệ môi trường phải đi trước, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên, huyện Giao Thủy đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Trong đó, huyện này đặc biệt chú trọng đến chống rác thải nhựa. Hiện nay, khắp các đường thôn, ngõ xóm và kênh mương, đường nội đồng trên địa bàn huyện đều được thu gom gọn gàng rác thải, không để xảy ra tình trạng vứt bừa bãi.
Điển hình chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường của huyện là địa bàn xã Giao Hà. Người dân ở địa phương này chủ yếu sản xuất nông nghiệp với trên 300 ha lúa nước, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và nuôi trồng hàng năm trên 300 tấn thủy sản. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhất là rác thải nhựa từ các loại chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì ni lông thì xã thành lập tổ tuyên truyền, thường xuyên phổ biến các quy định, văn bản của UBND huyện về công tác bảo vệ môi trường đến từng hộ sản xuất nông nghiệp.
Xã Giao Hà còn triển khai xây dựng điểm tập kết rác, thùng rác nơi công cộng và khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa có thể tái chế để tổ chức đoàn thể bán lấy tiền gây quỹ. Nhằm lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa và làm gương cho quần chúng nhân dân, xã đã tổ chức ngày “chủ nhật xanh” huy động tất cả đoàn thể, công chức, cán bộ tham gia dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải nhựa. Việc làm này được thực hiện thường xuyên và đưa vào làm tiêu chí đánh giá, cán bộ, đảng viên, công chức của xã.
Tại địa bàn xã Giao Xuân, nhiều con đường xanh - sạch - đẹp với hai bên trồng hoa nở rực rỡ trở thành niềm tự hào của người dân. Trên các nẻo đường của làng xóm và nhất là các khu tập trung buôn bán không có hiện tượng rác thải nhựa bừa bãi. Các loại rác thải có thể sử dụng tái chế đã được tổ chức Hội phụ nữ, Hội Thanh niên thu gom, bán gây quỹ hoạt động. Vì vậy mà môi trường nông thôn ở địa phương này luôn tươi đẹp, trong lành.
Xã có Quy chế về hoạt động quản lý, thu gom và xử lý rác thải. Quy chế quy định trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về công tác bảo vệ môi trường tại khu dân cư, trong việc mai táng, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn xã và trách nhiệm của các xóm, đơn vị thu gom rác.
Nhằm tạo môi trường sống trong lành, cấp ủy và chính quyền xã Giao Lạc đã xây dựng đề án, kế hoạch, quy chế bảo vệ môi trường; thành lập tổ thu gom rác thải mỗi tuần 2 lần tại các khu dân cư. Hội viên phụ nữ Giao Lạc tích cực trong công tác bảo vệ môi trường như tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh và đăng ký với địa phương đảm nhận thu gom rác thải sinh hoạt. Hội Phụ nữ xã thành lập “Tổ phụ nữ thu gom rác ven biển”, tích cực dọn vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường biển xanh, sạch, đẹp.
Tại địa bàn xã Giao Phong, hoạt động phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường nhận được sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền. Trong đợt hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2024 và Ngày môi trường thế giới vừa qua, hơn 150 đoàn viên, hội viên, lực lượng công an, quân sự xã Giao Phong cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quất Lâm đã tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chất thải nhựa làm sạch bãi biển. Rác thải xả bừa bãi, rác thải trôi nổi từ biển đẩy vào bờ được lực lượng tham gia thu dọn sạch sẽ, bỏ bao tải để đem đi xử lý theo quy định. Trên khu vực kè biển, dọc các tuyến đường cũng được quét dọn sạch.
Trên địa phận 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Giao Thủy không có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Các khu kinh doanh tập trung, khu chợ truyền thống phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, các quy hoạch khác có liên quan và có hạ tầng kỹ thuật và cơ bản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường để người dân phân loại rác; có công trình thu gom, xử lý nước thải bằng hố ga lắng lọc trước khi thải ra ngoài môi trường.
Đến nay, 100% hộ gia đình trên địa bàn huyện đã đăng ký và thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 98%. Hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện cơ bản đã đi vào nề nếp. Định kỳ 2-3 lần/tuần tiến hành thu gom rác thải tại các thôn, xóm, phố, khu dân cư, vận chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung của các xã để xử lý.
Chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn huyện chủ yếu là đồ nhựa hỏng, túi nilon, khay nhựa, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm. Chất thải nhựa được các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thu gom, phân loại tại nguồn. Trong đó, các nhựa thải có thể tái chế được thu gom và bán phế liệu cho các cơ sở thu mua phế liệu. Các chất thải nhựa không thể tái chế được Công ty cổ phần đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC thu gom, xử lý tại bãi rác tập trung của huyện.
Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định phấn đấu trước năm 2025 đạt nông thôn mới nâng cao, trước năm 2030 đạt nông thôn mới kiểu mẫu và đạt các tiêu chí đô thị loại III. Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng công tác chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và xem đây là tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và cơ sở.
Sông Hồng