Năm 2021, kinh tế nhiều địa phương bật tăng
Nhiều địa phương trong cả nước dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn có mức tăng trưởng kinh tế dương, đã chuyển trạng thái thích ứng hiệu quả khi vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.
Dẫn đầu cả nước có thể kể đến là Hải Phòng, tăng trưởng GPDP đạt 12,38% trong năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. TP Hải Phòng đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021.
Ước tính tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hải Phòng (GRDP) tăng 12,38%, đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421 tỉ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỉ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Với Quảng Bình thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Cụ thể trong năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình đạt gần 6.500 tỉ đồng, vượt dự toán được giao; sản xuất nông nghiệp được mùa; công nghiệp duy trì tăng trưởng; hàng hóa đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; Tổng sản phẩm bình quân đầu người không đạt kế hoạch. Có 8/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu không đạt kế hoạch đề ra, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; thu nhập của doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng báo báo, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực nhưng tỉnh Kiên giang vẫn đạt mục tiêu “tăng trưởng dương” theo kịch bản đề ra, 13/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Đặc biệt cả 3 khu vực đều tăng trưởng dương. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng tốt, tăng 0,93%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,25%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 0,14%; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ; đời sống nhân dân được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kiên Giang xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với mức tăng trưởng 0,58%, đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tuy đạt thấp nhưng với mức tăng trưởng dương trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện sự nỗ lực lớn của địa phương.
Điểm đáng chú ý là với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Kiên Giang dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Tỉnh Gia Lai Thu chi ngân sách trong năm 2021 đạt cao, với trên 7000 tỉ đồng. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 7.386 tỷ đồng, bằng 162,2% so với sự toán Trung ương giao và bằng 146,3% so với dự toán HĐND tỉnh giao, vượt 83% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 9,03%, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch phù hợp, GDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng. Trong năm nay, đã có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 87 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có 8 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước) thu ngân sách và huy động vốn đầu tư toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra, ước thu đạt hơn 8.000 tỉ đồng (tăng 10% so với dự toán HĐND tỉnh giao).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao, cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo; công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được quan tâm thực hiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Còn tỉnh Đồng Tháp vượt 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2021, đây cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước. năm 2021, Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Đồng Tháp duy trì 2,22%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36%, an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đồng Tháp đã nỗ lực vượt khó, vừa chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì 2,22%, quy mô kinh tế ước đạt hơn 90.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.800 tỉ đồng so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 56 triệu đồng”.
Trong cả nước, các địa phương cũng đưa ra những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 với nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện mới hiện nay.
Bùi Hằng