Myanmar: Tài nguyên rừng bị đe dọa bởi chính hoạt động con người
Các nhà nghiên cứu tại Ý đã chỉ ra nhiều loại động vật hoang dã và gỗ lớn của Myanmar đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, khai thác gỗ không bền vững. Nếu loài người không có biện pháp gì thay đổi thì các quần thể tự nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục giảm.
Myanmar là quốc gia nổi tiếng về đa dạng sinh học và cũng là nơi cư trú của khoảng 230 loài động thực vật bị đe dọa trên toàn cầu. Trong nhiều năm, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Đông Nam Á này đã bị khai thác rất nhiều để theo đuổi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khai thác gỗ, săn bắn và đánh cá ồ ạt đã tạo ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.
Dựa trên nguồn dữ liệu bẫy ảnh từ năm 2016 đến năm 2019, nhóm tác giả lập bản đồ các mô hình hoạt động của con người và các loài động vật có vú từ trung bình đến lớn khác ở bang Rakhine. Sau đó, nhóm mô hình hóa tác động của các yếu tố môi trường và con người, chẳng hạn như tỷ lệ phần trăm rừng thường xanh liên tục, khoảng cách từ các khu định cư cùng sự hiện diện của con người được ghi lại trên các đoạn phim bẫy ảnh đối với các loài động vật có vú được lựa chọn.
Các thung lũng rừng ở Myanmar là nơi sinh sống của hổ, voi và các loài động vật quý hiếm khác. Đất nước này có khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của các loài linh trưởng mới gồm khỉ mũi hếch Myanmar và khỉ voọc Popa.
Kết quả cho thấy các loài phổ biến thường xuyên bị nhắm mục tiêu săn bắn lấy thịt, chẳng hạn như Mang Vó vàng (Muntiacus vaginalis) và nhím đuôi ngắn (Hystrix brachyura) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng sự hiện diện của con người, làm nổi bật áp lực săn bắn trái phép đối với quần thể của chúng.
Ngược lại, các loài bị đe dọa như gấu chó (Helarctos malayanus) và khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) thường không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của con người nhưng do chúng có mối liên hệ tích cực với các dải rừng thường xanh liên tục nên dễ bị mất môi trường sống trước các hoạt động khai thác và phá rừng bất hợp pháp.
“Các loài bị đe dọa nói chung khá hiếm và ở cách xa làng mạc nên sự hiện diện của con người không ảnh hưởng đến sự xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác, phá rừng trái phép cùng tình trạng mất môi trường sống là nguyên nhân chính khiến chúng suy giảm. Riêng với các loài phổ biến như mang đỏ và lợn rừng, sự hiện diện của con người gia tăng ảnh hưởng rất lớn tới chúng. Mật độ người gia tăng, sự phát triển cơ sở hạ tầng trong các khu rừng của Myanmar cùng áp lực săn bắn không bền vững tại địa phương có thể khiến các loài này bị đe dọa theo thời gian”, Giacomo Cremonesi, một trong những tác giả thuộc nghiên cứu chia sẻ.
Cũng theo Cremonesi, các loài bị săn bắt để lấy thịt rừng là con mồi chính cho các loài ăn thịt như hổ, báo. Vì vậy, khi con người trở thành đối thủ cạnh tranh với một số loài này, sẽ có một áp lực lớn đối với chúng.
Ở Myanmar, khoảng 70% người dân sống ở khu vực nông thôn nên áp lực khai thác tài nguyên rừng thông qua việc giải phóng mặt bằng làm nông nghiệp, săn bắt thú rừng và khai thác trái phép các loài cây có giá trị, chẳng hạn như gỗ tếch Miến Điện (Tectona grandis), là rất lớn.
Tại khu vực nghiên cứu là một khoảnh rừng thường xanh liên tục xen kẽ với những dải rừng bị suy thoái và đất trồng trọt gần biên giới Khu bảo tồn động vật hoang dã Rakhine Yoma Elephant Range, các nhà nghiên cứu nhận thấy hoạt động khai thác gỗ diễn ra liên tục với cường độ cao trong mùa khô từ giữa tháng 11 đến tháng 4 và sự đa dạng của các loài động vật có vú thấp hơn so với các vùng khác của Myanmar.
Ngoài ra, nhóm cũng quan sát thấy mức độ tác động cao của con người với 2.674 trong số 5.152 video từ bẫy ảnh được cho là do hoạt động của con người. Trong số này, khoảng 1/5 liên quan đến khai thác gỗ bất hợp pháp, 1/10 đến từ săn bắn bất hợp pháp dù có thể đây chỉ là hoạt động săn bắn quy mô nhỏ do các công cụ săn bắn phổ biến nhất ở Đông Nam Á là bẫy và chúng khá khó phát hiện bằng máy ảnh.
Nhằm giảm áp lực của hoạt động khai thác và săn bắn trái phép đối với tài nguyên rừng và động vật hoang dã, nghiên cứu khuyến nghị sự tham gia của địa phương trong việc nâng cao nhận thức về sử dụng bền vững tài nguyên rừng và tập huấn cho cộng đồng cách tuần tra, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bảo tồn, giúp người dân tăng thêm thu nhập và giảm áp lực khai thác vốn tự nhiên.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Andrew Terry, giám đốc của ZSL, cho biết: "Chỉ số Hành tinh Sống là một trong những thước đo toàn diện nhất về đa dạng sinh học toàn cầu. Sự suy giảm trung bình 68% động vật hoang dã trong gần 50 năm qua là một con số thảm họa. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất về những thiệt hại mà hoạt động của con người gây ra đối với thế giới tự nhiên".
Theo tiến sĩ Andrew Terry, nếu loài người không có biện pháp gì thay đổi thì các quần thể tự nhiên chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, khiến động vật hoang dã tuyệt chủng và đe dọa tính toàn vẹn của các hệ sinh thái mà tất cả chúng ta đang phụ thuộc.
Nguyễn Linh (T/h)