Mỹ ban bố tình trạng thảm họa tại bang Texas do bão tuyết
Số người tử vong liên quan đến các cơn bão tuyết trong mùa đông hoành hành ở nhiều bang của nước Mỹ đã tăng lên ít nhất 47 người.
Miền Nam Mỹ đang gồng mình vì đợt lạnh rét hiếm hoi, cụ thể như nhiệt độ ở Houston, tiểu bang Texas vào đêm ngày 15/2 là -10,5 độ C, trong khi thủ phủ của Oklahoma vào ngày 16/2 đã trải qua buổi sáng lạnh nhất kể từ năm 1899. Cũng trong ngày 16/2, cơn bão tuyết kèm theo mưa đã gây ra thời tiết lạnh giá cũng như phủ tuyết hết gần ¾ lục địa Mỹ, đây là mức kỷ lục được ghi nhận kể từ khi NWS thu thập dữ liệu vào năm 2003.
Theo dữ liệu của tờ The Washington Post, số người tử vong liên quan đến các cơn bão tuyết trong mùa đông hoành hành ở nhiều bang của nước Mỹ đã tăng lên ít nhất 47 người. Từ ngày 14/2, 7 bang đã xác nhận các trường hợp tử vong liên quan đến bão mùa đông. Trong đó, có 30 trường hợp ghi nhận tại bang Texas sau sự cố mất điện hàng loạt khiến hàng triệu người bị mắc kẹt trong nhiệt độ giá lạnh mà không có nước nóng, nước sinh hoạt và sưởi ấm.
Mặc dù Texas luôn được xem là nắng ấm so với nhiều tiểu bang khác tại Mỹ nhưng năm nay Texas lại nằm trong vòng vây kinh hoàng nhất của cơn bão tuyết kể từ năm 1895. Trong Lễ tình nhân 14 - 15/2/1895 cũng có cơn bão tuyết ở thành phố Houston, bang Texas dày hơn nửa mét.
Cơn bão tuyết năm nay cũng diễn ra ở mức nghiêm trọng như vậy khi một số khu vực có nhiệt độ ở mức -18 độ C.
Theo Washington Post, ít nhất 17 người đã chết do nhiễm lạnh, trong đó một người đàn ông được tìm thấy trong một bãi đậu xe ở khu vực Houston vào sáng thứ Năm. Hai phụ nữ lớn tuổi ở Ashland, bang Kentucky cũng tử vong vì thân nhiệt giảm trong vòng 48 giờ, trong đó một người tử vong trong một căn hộ bị mất điện. Chỉ tính riêng ở bang Texas, trong vài ngày qua đã có hàng triệu người phải sống trong cảnh không có điện, mặc dù con số đó đã giảm xuống còn khoảng 185.000 người vào sáng 19/2.
Số người không có điện sinh hoạt ở Louisiana và Mississippi lần lượt là 73.000 và 111.000 người. Các quan chức cảnh báo, tình trạng mất điện vẫn có thể xảy ra trong vài ngày tới. Trong hơn một tuần qua, đợt bão tuyết lịch sử đã khiến khu vực miền Trung nước Mỹ, vốn không quen với điều kiện khắc nghiệt, trải qua các hiện tượng thời tiết như ở Bắc Cực.
Hôm 20/2, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo về thảm họa thiên nhiên xảy ra ở Texas do tuyết rơi bất thường và việc phân bổ quỹ liên bang để giúp đỡ bang này.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Texas đã bộc lộ ra một nghịch lý khi Texas vốn là tiểu bang có sản lượng điện cao nhất nước Mỹ. Nó cho thấy hệ thống điện ở tiểu bang này không bền vững trước thời tiết khắc nghiệt. Cuộc khủng hoảng là thử thách đầu tiên nhưng cũng là cơ hội để chính quyền của ông Biden thúc đẩy những đề xuất về năng lượng tái tạo.
Các nhà khí tượng học và chuyên gia cho biết, thiên tai đã phơi bày một thực tế cho thấy chính phủ và cơ sở hạ tầng của chúng ta không được chuẩn bị để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Và điều này sẽ trở thành vấn đề ngày một lớn hơn cùng với biến đổi khí hậu.
Chuyên gia độc lập về bão mùa đông Judah Cohen thuộc Viện Nghiên cứu Khí quyển và Môi trường đã cảnh báo lần đầu tiên trên blog cá nhân về mối nguy hiểm thời tiết hiện nay vào ngày 25 tháng 1. Ông cho biết các tín hiệu khí tượng từ Bắc Cực, nơi khởi phát không khí lạnh vẫn “nhấp nháy màu đỏ theo nghĩa đen. Đó là hiện tượng cực đoan nhất mà tôi từng thấy".
Còn giáo sư khí tượng học Kevin Kloesel, thuộc Đại học Oklahoma, đồng thời là chuyên gia quản lý trường hợp khẩn cấp cũng đã đưa ra cảnh báo vào ngày 31 tháng 1 về nền “nhiệt độ dưới mức đóng băng và khả năng có gió buốt dưới 0 độ”. Đến ngày 7/2, gần một tuần trước khi đợt đóng băng tồi tệ nhất bắt đầu xảy ra, ông còn tiếp tục gửi đi nhiều cảnh báo hằng ngày.
Ông John Murphy, giám đốc điều hành Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết, họ đã nói về tình trạng đóng băng trước khi điều tồi tệ xảy đến khoảng hai tuần và đưa ra “dự báo chính xác nhất mà chúng tôi có thể làm cùng với thông điệp nhất quán. Tuy nhiên tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của sự kiện là điều mà một số người đã không chuẩn bị đầy đủ”.
Trong khi đó, giám đốc điều hành hệ thống lưới điện, Bill Magness thì nói rằng cơ quan này đã chuẩn bị đối phó thiên tai dựa trên các đợt bùng phát lạnh trong quá khứ nhưng “đợt này mọi thứ thay đổi rất nhiều, nghiêm trọng hơn rất nhiều và chúng tôi đã thấy tác động của nó”.
Hà Linh