Muốn cạnh tranh quốc tế, Đà Nẵng cần có sản phẩm xứng tầm
Theo các chuyên gia, để xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống, Đà Nẵng cần liên tục đầu tư, nâng tầm những "đặc sản" mang bản sắc riêng như Lễ hội pháo hoa quốc tế, gia tăng thêm nhiều trải nghiệm mới và đẳng cấp...
Đưa lễ hội pháo hoa thành cuộc thi toàn cầu
Tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức sáng 27/6 mới đây, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết: “Thống kê từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới thành phố, con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra”.
Tín hiệu đáng mừng của sự phục hồi du lịch sau đại dịch khiến thành phố thủ phủ miền Trung sáng bừng, nhưng cũng đồng thời đặt Đà Nẵng trước những thách thức mới: làm sao để duy trì sức hấp dẫn, xứng danh thành phố đáng đến, khi rất nhiều điểm đến mới đã lột xác ngoạn mục sau dịch, với những trải nghiệm và dịch vụ mới đẳng cấp, khác lạ.
Hiến kế cho Đà Nẵng, tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, du lịch đề xuất nhiều giải pháp để Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế với nhiều trải nghiệm đẳng cấp và mang bản sắc riêng. Theo PGS TS. Trần Đình Thiên, du lịch thành phố cần tiếp tục được đầu tư nhưng ở đẳng cấp cao nhất. Ông nhấn mạnh: “Ví dụ như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trước đây đã được tổ chức trong 1- 2 tháng liên tục, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đà Nẵng cần đầu tư tích cực hơn nữa, đảm bảo cơ sở hạ tầng ổn định, hạ tầng kỹ thuật để trở thành điểm thi đấu pháo hoa toàn cầu, nếu thiếu nơi này thì không thể tổ chức ở đâu khác”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng - ông Cao Trí Dũng đánh giá, thành phố đã làm du lịch rất tốt, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa Đà Nẵng vươn lên tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á, trong đó cần đầu tư nhiều hơn cho thương hiệu Đà Nẵng là điểm đến sự kiện. “Đà Nẵng đã có thương hiệu Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á và hệ sinh thái sản phẩm hiện nay có lẽ tốt nhất cả nước về tổ chức sự kiện. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ sự quay lại của lễ hội pháo hoa quốc tế và có thêm nhiều sự kiện tầm cỡ để bổ sung vào chuỗi hoạt động và thu hút thêm nhiều khách đến Đà Nẵng”- ông Dũng bày tỏ.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất 05 nhóm sản phẩm du lịch trụ cột của thành phố bên sông Hàn, như: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch biển; Du lịch văn hóa lịch sử gắn với các di sản; Du lịch MICE; Du lịch đô thị; Du lịch sinh thái…
Cần thu hút thêm đại bàng để du lịch Đà Nẵng cất cánh
Ngành du lịch Đà Nẵng thời gian qua đã và đang không ngừng nỗ lực làm mới toàn diện, trong đó tiêu biểu là hàng loạt những sản phẩm du lịch mới, dịch vụ mới như: Phố đêm Mỹ An; Phố đi bộ An Thượng, Tuyến tàu biển Đà Nẵng đi Lý Sơn… hay các sản phẩm phối hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch hè.
Đánh giá cao những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc liên tục đổi mới và khẳng định vị thế điểm đến hàng đầu của mình, song PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, với tiềm lực sẵn có, mục tiêu của Đà Nẵng giờ đây không phải là “đua tranh” với các địa phương lân cận của Việt Nam, mà cần vươn ra tầm quốc tế, do đó cần thu hút thêm nhiều "đại bàng" hay doanh nghiệp lớn tới đầu tư.
“Đà Nẵng như là một hình mẫu để thu hút đại bàng, tôi hay lấy ví dụ như Sun Group. Sun Group đã giúp Đà Nẵng định hình chân dung tương lai của mình –khác biệt và đẳng cấp. Bà Nà, Lễ hội pháo hoa chưa ai làm được như Sun Group và cả như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cũng rất đặc biệt. Miền Trung được ưu ái có bãi biển và bờ cát đẹp trải dài, tuy nhiên, Đà Nẵng nhờ có sự đồng hành của Sun Group đã biến những bờ cát đó trở nên thu hút tuyệt đối ở một đẳng cấp khác”- PGS TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khi Sun Group định hình chân dung cho thành phố như vậy thì các nhà đầu tư khác cũng sẽ phải chiếu theo tiêu chuẩn này khi tham gia “cuộc chơi”. Điều này vừa giúp xác định rõ ràng diện mạo điểm đến Đà Nẵng tương lai, đồng thời bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cùng với tập đoàn lớn kết thành sức mạnh để phục vụ người dân.
Là một trong những đơn vị thành công trong tổ chức sự kiện tầm quốc tế, những sản phẩm mang tính chất "đột phá" ở Đà Nẵng, Sun Group trong thời gian tới tiếp tục có những định hướng phát triển để thành phố đặc sắc hơn nữa. Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh (Tập đoàn Sun World) cho biết, các sản phẩm mới được đầu tư "thỏa mãn" vấn đề đặt ra của các chuyên gia đối với du lịch Đà Nẵng.
Trong 2 năm Covid-19, tập đoàn tận dụng cơ hội để đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch, tạo sức bật cho thành phố sông Hàn ở giai đoạn bình thường mới, điển hình là Tập đoàn Sun Group cho ra mắt chuỗi sản phẩm mới của KDL Sun World Ba Na Hills như: Cổng Thời gian, Thác Thần Mặt trời, Show diễn Trận chiến ở Vương quốc Mặt trăng, Lâu đài Mặt trăng…. Mới đây, tập đoàn này cũng đồng hành cùng Sở Du lịch TP tổ chức "Lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022" từ 11/6-15/8, với loạt sự kiện quy mô lớn kéo dài suốt mùa hè như: Carnival đường phố Sun Fest (từ 25/6-24/7), Đại nhạc hội Take me to the sun vào tối 9/7, lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế EDM…. Tương lai, Sun Group sẽ còn kiến tạo thêm nhiều sản phẩm đột phá cho Đà Nẵng, tiêu biểu như các show trình diễn Hoa Hồng, show Núi Lửa, Hầm rượu với quy trình sản xuất rượu vang đạt chuẩn quốc tế…
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đồng tình với nhận định, du lịch Đà Nẵng cần đạt được đến sự đẳng cấp và khác biệt. “Để đạt được đẳng cấp và sự khác biệt này, chắc chắn là ngành du lịch và các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền thành phố, doanh nghiệp và các nhà đầu tư”- bà Hồng Hạnh bày tỏ.
PV