Thứ bảy, 27/04/2024 03:25 (GMT+7)
Thứ ba, 17/11/2020 11:42 (GMT+7)

Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh, hoàn toàn khả thi

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là trồng thêm 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn có khả thi.

Phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 10/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt.

“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bàn về mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra, chia sẻ với báo Tuổi trẻ, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng, việc đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị của Thủ tướng là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần xác định mục tiêu rõ ràng của việc trồng cây này để có tính toán, cách thức làm phù hợp và đạt hiệu quả.

Cùng ý kiến, PGS.TS Phạm Ngọc Nam - Giảng viên khoa lâm nghiệp Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng khẳng định: Con số 1 tỉ cây với người ngoài ngành nghe có vẻ nhiều nhưng thật sự để phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng ngập mặn lấn biển thì biết bao nhiêu cho đủ.

Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh, hoàn toàn khả thi - Ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới có thể đạt được. (Ảnh minh họa: Internet)

Nên trồng cây gì?

Cũng cho ý kiến về đề xuất trên, chia sẻ với Vnexpress, GS.TS Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, mục tiêu này rất khả thi, tất nhiên là với quy mô lớn thì việc tổ chức cần chặt chẽ, chương trình thực hiện cần cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Rừng trồng mật độ thấp khoảng 1.600 cây mỗi ha, người dân thường trồng rừng sản xuất với khoảng 2.500 đến 3.000 cây mỗi ha, thậm chí rừng ngập mặn có thể trồng với mật độ 3.000 đến 4.000 cây mỗi ha. Nếu trồng 1 tỉ cây xanh thì tương đương với khoảng 300.000 đến 500.000 ha rừng tập trung.

Trước đây Việt Nam còn hàng triệu ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng. Vài năm gần đây, việc trồng rừng tốt hơn, nhưng theo tôi vẫn còn khoảng từ 600.000 - 700.000 ha đất chưa có rừng có thể trồng được. Như vậy quỹ đất vẫn còn nhiều để thực hiện mục tiêu một tỉ cây xanh.

“Thực tế mỗi năm Việt Nam vẫn đặt mục tiêu trồng khoảng 200.000 ha rừng nên có thể khẳng định chúng ta đủ năng lực để thực hiện đề xuất của Thủ tướng. Ngoài diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, chúng ta còn có thể trồng được cây gỗ ở các đường đi, xung quanh khu dân cư, nhà máy, ngay cả đồng ruộng cũng có thể trồng những dải rừng chắn gió. Tính bình quân mỗi người trồng khoảng 10-20 cây xanh thì đây không phải con số quá lớn”- GS.TS Vương Văn Quỳnh nói.

Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh, hoàn toàn khả thi - Ảnh 2
Tăng cường không gian xanh tại các đô thị. (Ảnh: Internet)

Còn trong 1 tỉ cây xanh thì nên trồng cây gì? Ông Quỳnh cho rằng, nên trồng những loài cây cho phòng hộ, giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất nên là cây bản địa đa tác dụng như: Dẻ, trám, sấu, lát hoa, re gừng, lim xanh, ràng ràng mít, pơ mu, hoàng đàn, vù hương, táo mèo, giổi.

Ở miền núi có thể thêm như sến, mật, táu, trầm hương, vàng tâm, gụ, chò nâu, xoan đào. Dưới thảm thực vật có thể trồng thêm sâm, ba kích, sa nhân, thảo quả. Đây hầu hết là những cây lâu năm có có rễ sâu và cứng chắc, chịu được đất khô hạn tăng cường khả năng giằng giữ đất.

Các cây trồng ven biển cần có rễ ăn sâu, rộng, thân khỏe phân bố cành đều trên thân làm cho khả năng chắn sóng hiệu quả như: Đước, bần, mấm, trang, sú, vẹt.

Cây trồng đô thị được chọn là những cây sống lâu năm, thường xanh, tán đẹp, hoa đẹp, thơm, rễ sâu có khả năng chống gió bão, ít sâu bệnh, không có nhựa hoặc hương độc, che bóng và giữ bụi tốt như: Ngọc lan, bằng lăng, phượng, móng bò...

Nâng cao chất lượng rừng

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, việc trồng thêm 5 tỉ cây xanh rất tốt nhưng quan trọng hơn là làm sao có các giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng rừng.

"Rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống lũ quét. Nếu lượng mưa quá lớn, thì lượng chảy tràn cũng chỉ 20 - 30%. Trong trường hợp không có rừng thì 90% lượng nước chảy tràn trên mặt. Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng vì, nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét" – ông Lung nhấn mạnh.

Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh, hoàn toàn khả thi - Ảnh 3
Vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu một thực tế, nếu như 15 năm trước việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dễ thì nay được đánh giá rất kỹ, với phương châm thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ không đánh đổi môi trường bằng mọi giá cho phát triển.

Từ thực tế đó, trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, quan tâm đến nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy triển khai thêm các loại dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn tài chính cho bảo vệ, phát triển rừng; đảm bảo sinh kế của người dân.

"Cần có giải pháp mang tính đột phá để cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp, kể cả hạ tầng cho chế biến, trồng rừng, hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Động lực là tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; phải giữ được rừng tự nhiên và làm giàu nó; với diện tích rừng trồng khi không còn dư địa tăng diện tích thì phải có giải pháp về giống, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, độ che phủ gần 42%. Trong diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Mục tiêu trồng 1 tỉ cây xanh, hoàn toàn khả thi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới