Thứ năm, 25/04/2024 20:26 (GMT+7)
Thứ tư, 02/12/2020 14:08 (GMT+7)

Mục tiêu có thêm 1 tỉ cây xanh: Đô thị nên trồng nhiều cây thân leo

Theo dõi KTMT trên

Theo TS Nguyễn Văn Khải, với đặc thù quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, ở phạm vi gia đình, khu đô thị, chúng ta nên trồng các loại cây thân leo. Nghiên cứu cho thấy, các loại cây thân leo làm giảm nhiệt độ tốt hơn rất nhiều so với cây thân gỗ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh trong giai đoạn 2020-2025. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia và người dân. Bởi, hiện nay, toàn cầu đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí trầm trọng. Việc trồng cây xanh là một trong những giải pháp tương đối quan trọng để giảm thiểu thực trạng trên. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, trồng như thế nào là vấn đề đang được dư luận đặt ra bàn luận. 

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam). TS Khải còn được người dân gọi với cái tên "ông già Ozon".

Mục tiêu có thêm 1 tỉ cây xanh: Đô thị nên trồng nhiều cây thân leo - Ảnh 1
TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam).

-Thưa ông, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có cây xanh đô thị. Theo ông, chủ trương này sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với môi trường?

-Chúng ta đều biết rằng, cây xanh là để che bóng mát, quá trình quang hợp, đồng hóa cacbon của cây xanh sẽ hấp thu khí CO2, loại khí làm tăng hiệu ứng nhà kính và giải phóng khí oxi. Tất cả sự sống trên hành tinh của chúng ta đều cần oxi. Như thế, việc càng có nhiều cây xanh càng tốt cho môi trường, cho sức khỏe của con người, các sinh vật, động vật… Bên cạnh đó, cây xanh giúp giữ nước, giữ đất để không bị sạt lở, giảm thiểu lũ, ngoài ra, còn cho gỗ, củ, quả.

Tôi cho rằng, đề xuất trên sẽ góp phần thay đổi môi trường ở Việt Nam nói chung, ở khu đô thị nói riêng. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả lại là một câu chuyện khác đáng phải bàn luận.

-Trong giai đoạn 2015-2020 vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng, các dự án trồng rừng dở dang, diện tích rừng hiện có đang giảm, vậy ông có thể đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng này?

-Vấn đề nằm ở chính quyền cơ sở, đơn vị quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng, kiểm lâm… Nếu như sự giám sát, kiểm soát được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ không thể xảy ra tình trạng này. Bên cạnh đó, điều cơ bản nữa là người dân không được trao quyền bảo vệ rừng, họ phát hiện ra hành vi phá rừng, nhưng không có quyền giữ những đối tượng thực hiện hành vi phá rừng.

Để giải quyết, cần có chế tài xử lý thật nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, có cơ chế phối hợp giữa người dân và cơ quan chức năng để bảo vệ rừng, phát hiện các hành vi phá rừng, các dự án không thực hiện theo đúng chủ chương đề ra để có hướng xử lý kịp thời, thu hồi các dự án có dấu hiệu chậm triển khai, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nhất là đất trồng rừng.

-Theo ông, tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, chúng ta nên triển khai chủ trương trồng cây xanh do Thủ thướng Chính phủ phát động như thế nào?

-Cách đây hơn 10 năm, khi tu nghiệp tại nước ngoài, tôi thấy rằng ở nước bạn không xảy ra tình trạng chặt hạ cây xanh như Hà Nội, nhất là những cây cổ thụ. Khi có chủ trương làm đô thị, khu công nghiệp, cây xanh được di dời để trồng sang vị trí khác nhằm không làm giảm tỉ lệ cây xanh. Do vậy, tôi cho rằng Hà Nội cần phải giữ số lượng cây xanh hiện tại, không tái diễn việc chặt cây xanh như thời gian vừa qua đã thực hiện.

Mục tiêu có thêm 1 tỉ cây xanh: Đô thị nên trồng nhiều cây thân leo - Ảnh 2
Theo TS Khải các loại cây dây leo làm giảm nhiệt độ tốt hơn rất nhiều so với cây thân gỗ, phù hợp trồng ở không gian đô thị với đặc thù ít quỹ đất.

Theo nghiên cứu, các loại cây dây leo làm giảm nhiệt độ tốt hơn rất nhiều so với cây thân gỗ, với đặc thù quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, ở phạm vi gia đình, khu đô thị, ngoài một số cây thân gỗ có thể kết hợp trồng các loại cây thân leo quanh năm có lá, cho hoa, cho quả trái mùa nhưng chỉ mất từ 3-6 tháng là đã có giàn, vừa che bóng mát vừa tạo nên giá trị thẩm mĩ cho ngôi nhà. Các trường học cũng có thể áp dụng mô hình này để che nơi để xe… Trên các dải phân cách đường trên phố, đường cao tốc nên trồng nhiều loại hoa như tường vy, hoa anh đào, cây cho trái,… có độ cao thấp khác nhau, tạo độ che phủ, màu sắc, để đường phố không bị đơn điệu.

-Trên phạm vi toàn quốc, theo ông, các địa phương nào cần phải đặc biệt chú trọng việc trồng cây xanh. Ở những vị trí này, loại cây nào là lựa chọn phù hợp?

-Trước đây, việc trồng cói, sú, vẹt, đước… ở ven biển đã giúp đẩy sóng hàng km. Thế nhưng hiện nay, người ta đã phá đi hết những hàng cây chắn cát, giữ biển, lấn biển. Ngay như ở các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), khu kinh tế đã thay thế diện tích rừng ven biển; Những rặng phi lao chắn cát xanh mướt ở Quảng Bình hiện nay cũng gần như không còn nữa. Vào năm 2006, tôi từng nói chuyện với ông Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, năm 2007, trao đổi với Sở Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo tỉnh Phú Yên là phải giữ lại những dải cây ven biển vì đó là khiên giữ cho người dân ven biển thế nhưng bây giờ những dải cây này đã mất hết.

Do đó, tôi cho rằng, các địa phương có bờ biển, bị xâm nhập mặn là những nơi cần chú trọng việc trồng rừng. Trước mắt, trồng nhiều loại cây ở miền Trung vừa bị bão lũ tàn phá, trồng nhiều loại như sú, mú, bần, đước, vẹt, tràm, cói… để giữ biển và lấn biển.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi mà hàng năm chịu thiệt hại từ sạt lở, xói mòn đất cũng cần có kế hoạch bổ sung thêm diện tích để trồng rừng. Đồng thời cần siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

-Để thực hiện được kế hoạch mà Thủ tướng đã đề ra, theo ông các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, đơn vị, tổ chức cần làm gì?

-Theo tôi, việc Nhà nước phát động việc trồng cây xanh là yếu tố tiên quyết giúp cho kế hoạch này dễ dàng triển khai trên thực tế. Các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc; Hội Nông dân; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chính Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp… nhân ngày kỉ niệm thành lập và nhiều ngày lễ lớn trong năm có thể biến thành ngày trồng cây, trồng được càng nhiều loại cây càng tốt, nhưng phải đảm bảo diện tích để cây sinh trưởng, phát triển và có kế hoạch chăm sóc cụ thể.

Nhân dịp Tết Tân Sửu, ngày 1/1/2021, tôi sẽ phát động trồng 1 triệu cây thân leo cho hoa và quả đối với trường học và hộ gia đình. Trước mắt, tôi đã chuẩn bị được 1.000 gốc gấc.

Trân trọng cảm ơn ông !

Cẩm Anh

Bạn đang đọc bài viết Mục tiêu có thêm 1 tỉ cây xanh: Đô thị nên trồng nhiều cây thân leo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Xã Diễn Hoàng dần lộ diện nông thôn mới nâng cao
Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, phát huy nội lực, xã Diễn Hoàng, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM lộ diện, kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.