Mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi ở Bình Định ngập sâu trong nước
Mưa lớn kéo dài từ đêm 19/11 khiến TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) ngập trên diện rộng, có nơi ngập sâu 1m-1,5m, nước chảy xiết. Đây là đợt ngập nặng thứ 2 xảy ra chỉ sau hơn 1 tháng.
Vào chiều 20/11, tại phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, nước lũ trên thượng nguồn đổ về sau 2 ngày mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư trên địa bàn.
Trong đó, có đoạn ngập sâu từ 1-1,5 m, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện không di chuyển kịp bị chết máy hàng loạt.
Người dân chợ Ghềnh Ráng cho biết khu vực này gần biển, trước đây không có hiện tượng ngập sâu. Ba năm qua ngập bất thường ảnh hưởng cuộc sống của họ. Ngoài ra, ở các đường Nguyễn Tất Thành, Xuân Diệu, quốc lộ 1D cũng bị ngập 0,5-1m.
Các hộ dân ở đường An Dương Vương cho hay, vài năm trở lại đây khu vực phương liên tục xảy ra tình trạng ngập úng, nước trên núi đổ xuống như thác nhưng hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả nên mới xảy ra tình trạng ngập.
Ông Vũ Huy Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ghềnh Ráng cho biết trước tình hình trên, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ xã phối hợp với các cán bộ chiến sỹ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ di dời người dân vùng ngập nặng về trụ sở khu sinh hoạt nhân dân khu vực 2 để ở tạm. Đồng thời, phân công người túc trực để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm cho khu vực 2,3,4,5 của phường Ghềnh Ráng ngập sâu. Dự báo, mưa lớn sẽ kéo dài đến ngày 22/11.
Có 53 hồ chứa nước qua tràn trong đó, có 20 hồ đầy nước, khả năng xuất hiện đợt lũ trên các sông trong tỉnh với mức báo động 1-2; có nơi trên mức báo động 2.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, vùng áp thấp trên khu vực phía Nam của biển Đông di chuyển chậm theo hướng Tây. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp, trong ngày và đêm 21/11, Nam vịnh Bắc Bộ, khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 21 - 22/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng tiếp tục có lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu các sông từ 1,0-3,5m. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên lên mức báo động 1 và trên báo động 1; các sông nhỏ ở Quảng Ngãi, các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận lên mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1-2.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; tình hình gió mạnh, sóng lớn vùng biển phía Bắc của Bắc biển Đông; cảnh báo mưa dông trên các vùng biển để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Hà Lan