Thứ bảy, 23/11/2024 19:13 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/03/2023 16:30 (GMT+7)

Mưa đá lịch sử xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế

Theo dõi KTMT trên

Người dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa bao giờ nhìn thấy trận mưa đá trên địa bàn lớn như chiều ngày 24, rạng sáng ngày 25/3/2023.

Sáng 25/3, theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn xã Hương Phong, huyện A Lưới, vừa xảy ra trận mưa đá với cường độ lớn, mật độ dày đặc.

Trận mưa đá này xuất hiện từ chiều ngày 24/3. Trận mưa đá kèm gió giật mạnh cấp 8 xuất hiện vào khoảng hơn 15h chiều 24/3 và diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi mưa đá kết thúc, người dân thu gom nhiều hạt mưa đá với kích cỡ hạt mưa đá to và tròn hơn hạt đậu.

Nhiều người dân ở xã Hương Phong cho biết, chưa bao giờ thấy địa bàn xã xuất hiện đợt mưa đá lớn như vậy. Người dân đã thu gom nhiều túi nilon chứa hạt mưa đá với kích cỡ hạt mưa kết đông to và tròn như viên bi.

Mưa đá lịch sử xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế - Ảnh 1
Mưa đá lịch sử xuất hiện ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh người dân trên địa bàn ghi lại).

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, báo cáo nhanh của địa phương cho thấy, mưa đá chưa gây ra thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn. Hiện UBND huyện A Lưới đang nắm thêm tình hình thiệt hại ở các địa phương.

Trước đó, tại địa bàn xã Đông Sơn và xã Hương Lâm, huyện A Lưới cũng xuất hiện mưa đá kéo dài trong nhiều phút. Kích thước lớn nhất của hạt mưa đá là 2,3 cm, nhỏ nhất 0,05 cm. Một số diện tích ngô, lúa của người dân xã Hương Lâm và xã Đông Sơn bị mưa đá gây hư hại.

Hiện tượng mưa đá cũng mới xuất hiện tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum trong 2 ngày 23 - 24/3. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trận mưa đá lớn vừa xảy ra trên địa bàn gây ra nhiều thiệt hại về hoa màu tại ba xã Đắk Na, Măng Ri và Ngọc Lây.

Tại xã Đắk Na, mưa đá bắt đầu diễn ra từ ngày 23 và kéo dài đến ngày 24/3. Hai xã Măng Ri và Ngọc Lây, mưa đá diễn ra từ ngày 24/3. UBND các xã đã khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường, nhốt gia súc gia cầm để hạn chế ảnh hưởng do mưa đá gây ra.

Tối ngày 21/3, tại thị trấn Kim Sơn, xã Mường Nọc, xã Châu Kim, xã Tiền Phong huyện Quế Phong (Nghệ An) xảy ra dông, tố lốc, mưa đá đã khiến một số nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Mưa đá lịch sử xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế - Ảnh 2
 Mưa đá thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

Theo người dân ở huyện Quế Phong, dông, tố lốc, mưa đá kéo dài khoảng 30 phút. Những viên đá lớn như ngón tay cùng tố lốc khiến nhiều cây cối đổ gãy, một số nhà dân tốc mái, hư hỏng. Hiện chưa có thống kê chính xác mức độ thiệt hại.

Ngày 18/3, trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn cũng xảy ra mưa đá trên địa bàn các xã Bảo Thắng, Huồi Tụ, Mường Lống, Na Loi, Bảo Nam, Keng Đu khiến diện tích hoa màu, nhà dân hư hỏng.

Mưa đá xuất hiện khi nào?

Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối.

Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.

Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Do đó, ở Việt Nam mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền và cả trong mùa hè.

Riêng ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường có mưa đá. Nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5.

Ông Trần Quang Năng - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện tượng dông kèm tố lốc gây gió giật mạnh, mưa đá là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao. Đồng thời với đó là điều kiện nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ khá cao, cộng thêm độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh lên.

Theo ông Trần Quang Năng, dông lốc mạnh ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Khi đó, có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa. Sự gặp gỡ vào xáo trộn mạnh giữa các khối khí nóng và lạnh, khô và ẩm sẽ là điều kiện lý tưởng tạo ra những đám mây đối lưu phát triển mạnh.

Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của đám mây thường ở nhiệt độ dưới -20 độ C, khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ.

Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, do nhiều nguyên nhân không thể ngưng kết thành băng, lại biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C. Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây.

Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.

Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào. Đến lúc này, các luồng khí không thể giữ được các băng ở trên cao và những hạt băng này bị rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.

Huy Văn

Bạn đang đọc bài viết Mưa đá lịch sử xuất hiện tại Thừa Thiên - Huế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới