Thứ năm, 03/10/2024 23:30 (GMT+7)
Thứ ba, 21/05/2019 09:50 (GMT+7)

Một dự án của ngân hàng Phát triển Việt Nam đội vốn 3.800%

Theo dõi KTMT trên

Qua 4 lần điều chỉnh, số vốn đầu tư của dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã tăng từ 7 tỉ đồng lên 275 tỉ đồng, tăng tới 3.834% so với ban đầu.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 gửi đến Quốc hội, trong đó chỉ ra hàng loạt vấn đề khi kiểm toán tình hình thu chi ngân sách nhà nước về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề chậm được khắc phục. Cụ thể, tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý phải điều chỉnh quy mô; xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh giá trị lớn... Điểm mặt các dự án đội vốn lớn như vốn đầu tư của dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng gấp 3 lần, tức tăng thêm 147,9 tỉ đồng; Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh 6 lần, tăng 3.956 tỉ đồng; Dự án ĐTXD công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh 4 lần, tăng 970 tỉ đồng.

Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận 03 lần, tăng 2.687 tỉ đồng, tương đương 105% (từ 2.552 tỉ đồng lên 5.239 tỉ đồng)...

Đáng chú ý, dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được điều chỉnh 4 lần với mức vốn đầu tư của dự án tăng 268 tỷ đồng, tương đương 3.834% so với mức đầu tư ban đầu chỉ có 7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dự án điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng khiến cho tổng mức đầu tư lên tới 275 tỷ đồng.

Đây là một trong số dự án đội vốn đầu tư với giá trị lớn, từ khi khởi công cho tới khi đi vào hoạt động phải nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư.

Một dự án của ngân hàng Phát triển Việt Nam đội vốn 3.800% - Ảnh 1

Dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Nha Trang bị đội vốn do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng

Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra nhiều vấn đề của dự án này như: phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch đấu thầu chưa đủ thủ tục, công tác nghiệm thu, thanh toán trong quá trình quyết toán…

Cá biệt có dự án phát hiện thấy tổng dự toán được duyệt vượt tổng mức đầu tư theo kết quả kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB giai đoạn 2015-2017 trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa: Huyện Mường Lát 1 dự án, Bá Thước 1 dự án.

Bên cạnh đó, còn nhiều dự án phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, điển hình như tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá có tới 19/33 dự án thuộc chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 – 2017.

Một tình trạng khá phổ biến là dự án được duyệt khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn tại nhiều địa phương như: Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Hải Dương... Hoặc tình trạng phê duyệt không đúng thẩm quyền như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tới 10 dự án, riêng TP. Quy Nhơn (Bình Định) đã có 3 dự án.

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót, như: Thanh toán vượt giá trị nghiệm thu, quyết toán hoặc thanh toán khối lượng chưa thi công, sai khối lượng, đơn giá, chế độ khác,...; tạm ứng cho nhà thầu chưa đúng quy định hoặc chậm thu hồi .

Qua kiểm toán 2.067 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng đối với các dự án, công trình có vi phạm.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Một dự án của ngân hàng Phát triển Việt Nam đội vốn 3.800%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.