Thứ sáu, 22/11/2024 04:18 (GMT+7)
    Thứ năm, 22/09/2022 15:01 (GMT+7)

    Mô hình "canh tác lúa thông minh" thích ứng với biến đổi khí hậu

    Theo dõi KTMT trên

    Ðể canh tác lúa đạt hiệu quả trong điều kiện sản xuất ngày càng có nhiều bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp CTCP Phân bón Bình Ðiền hỗ trợ nông dân tại vùng ÐBSCL thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh.

    Theo đó chương trình Canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2021-2022 đã được triển khai thực hiện từ tháng 10/2021 với quy mô 24 mô hình trên 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó số lượng mô hình được chọn không phân bổ đều ở các tỉnh mà dựa thực tế yêu cầu mở rộng về quy mô, đảm bảo độ phủ của chương trình đến các vùng sinh thái khác nhau trong canh tác lúa tại vùng ĐBSCL.

    Mô hình "canh tác lúa thông minh" thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1

    Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH  tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.  (Ảnh: B.Ð)

    Bà con nông dân trong mô hình đã mạnh dạng ứng dụng nhiều giải pháp canh tác trong quy trình canh tác lúa thông minh vào đồng ruộng, trong đó áp dụng các phương pháp gieo sạ bằng cơ giới như sạ cụm, cấy, sạ hàng giúp tiết giảm lượng giống bình quân xuống còn 75,7kg/ha, thấp hơn so với đối chứng 112 kg/ha và so với sản xuất đại trà hiện nay khoảng 150kg/ha. 

    Tính đến hết vụ Đông Xuân vừa qua, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã đầu tư lắp đặt 22 trạm quan trắc nước mặn và 1 trạm giám sát sâu rầy cho khu vực ĐBSCL. Ngoài ra tất cả nông dân và lực lượng kỹ thuật tham gia trong mô hình đã được Ban cố vấn tập huấn rất kỹ từ kỹ thuật làm đất, quản lý nước tưới, IPM, giảm giống gieo sạ, quy trình bón phân, thu hoạch đúng độ chín, canh tác thân thiện môi trường…

    Cần nhân rộng mô hình

    Tại TP.Cần Thơ, mô hình canh tác lúa thông minh được thực hiện trong vụ đông xuân và hè thu 2021 tại ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Nông dân trong mô hình đã được cung cấp phân bón chuyên dùng, hướng dẫn áp dụng công nghệ, cơ giới hóa và thực hiện các giải pháp ứng phó linh hoạt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh... Qua đó, chi phí sản xuất giảm hơn 1,38 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng cao hơn 3,4 triệu đồng/ha.

    Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Cần Thơ, cho rằng: “Tới đây cần nhân rộng mô hình vì các hiệu quả  mang lại là rất rõ nét. Ðặc biệt, việc ứng dụng thiết bị sạ cụm, giúp giảm lượng sử dụng giống chỉ còn ở mức 54-60kg, là giải pháp giảm giống hiệu quả cần nhân rộng. Ðồng thời, cần nhân rộng việc phân tích thành phần dinh dưỡng của đất để đưa ra công thức và quy trình bón phân cho từng vùng, giúp sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm. Ban cố vấn chương trình cần số hóa và tích hợp vào các phần mềm để phổ biến cho nhiều nông dân áp dụng, chứ không chỉ riêng nông dân trong mô hình…”.

    Từ thành công của mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, các tỉnh Long An và Vĩnh Long cũng đã có kế hoạch mở rộng mô hình và đưa các giải pháp kỹ thuật hiệu quả từ mô hình để áp dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất lúa của địa phương. Ông Trương Vĩnh Yên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tới đây bên cạnh tiếp tục thực hiện mô hình được hỗ trợ bởi Trung tâm KNQG phối hợp Công ty Bình Ðiền, tỉnh cũng có dự án xây dựng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BÐKH giai đoạn 2021-2025, với tổng quy mô diện tích hơn 1.100ha”.

    Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An Trịnh Hoàng Việt cho biết: Trung tâm vừa đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ nông dân mở rộng mô hình. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đưa các giải pháp kỹ thuật từ nền tảng mô hình canh tác lúa thông minh vào ứng dụng trong các chương trình, dự án phát triển sản xuất lúa của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể là dự án xây dựng vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao từ 20.000ha lên 60.000ha đến năm 2025.

    Từ những hiệu quả đã thấy rõ mà mô hình mang đến, ông Ngô Văn Ðông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Ðiền, đã kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị có liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình canh tác lúa thông minh để hoàn tất hồ sơ, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm công nhận là tiến bộ kỹ thuật để thuận lợi trong phổ biến, nhân rộng. Công ty cũng mong các cơ quan và đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, giúp cho canh tác lúa thông minh không chỉ dừng lại ở mô hình mà được áp dụng trên những cánh đồng lớn toàn vùng và cả nước.

    Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để nhân rộng và phát triển mô hình cánh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, toàn hệ thống khuyến nông và lãnh đạo ngành Nông nghiệp địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để trình các cấp thẩm quyền. Hiện Trung tâm cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch để phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp phát triển mô hình.

    Hà Ly

    Bạn đang đọc bài viết Mô hình "canh tác lúa thông minh" thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.