Thứ năm, 25/04/2024 18:00 (GMT+7)
Thứ ba, 04/01/2022 10:00 (GMT+7)

Mất rừng Amazon: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi KTMT trên

Năm 2021, nạn phá rừng ở Amazon đã trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 15 qua. Rừng nhiệt đới Amazon bao phủ lãnh thổ của 9 quốc gia cần có những giải pháp phù hợp.

Rừng Amazon tăng lượng khí thải carbon lên 'mức báo động' do nạn phá rừng

Tổ chức Giám sát Khí hậu cho biết, trái ngược với lượng khí thải carbon dioxide (CO2) giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khí thải CO2 của Brazil trong năm 2020 đạt mức kỷ lục kể từ năm 2006. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do nạn tàn phá rừng Amazon.

Theo báo cáo, trong năm ngoái, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Brazil đă tăng lên mức 2,16 tỉ tấn, cao hơn 9,5% so với năm 2019. Điều này trái ngược so với mức giảm lượng khí thải 7% ghi nhận trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2020.

Mất rừng Amazon: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1
Rừng Amazon tăng lượng khí thải carbon lên 'mức báo động' do nạn phá rừng. (Ảnh: Vn Express)

Các nhà nghiên cứu cho biết, lượng khí thải ra từ hoạt động nông nghiệp và đặc biệt là từ "những thay đổi trong việc sử dụng đất", bao gồm cả nạn phá rừng, đã gia tăng mạnh trong thời gian qua.

Cụ thể, lượng khí CO2 thải ra từ tình trạng sử dụng đất rừng Amazon để sản xuất nông nghiệp trong năm ngoái đạt mức 988 triệu tấn, tăng 24% so với năm 2019.

Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), nạn phá rừng tại quốc gia Nam Mỹ này trong năm 2020 đã tăng lên 10.851 km2 - một khu vực rộng hơn gần 7 lần so với London và 13 lần diện tích của thành phố New York.  

Khoảng 60% lãnh thổ Brazil hợp nhất với rừng Amazon và bao gồm khu vực của 8 bang Acre, Amapa, Amazonas, Mato Grosso, Para, Rondonia, Roraima và Tocantins và một phần của bang Maranhao. Diện tích rừng Amazon là hơn 5 triệu km2, lớn hơn cả Ấn Độ, quốc gia lớn thứ 8 trên thế giới. 

INPE đã theo dõi tình hình phá rừng ở Brazil từ năm 2015 thông qua một hệ thống quan sát vệ tinh, tổ chức giám sát các khu vực rừng bị tàn phá hoàn toàn và đang trong quá trình suy thoái, địa điểm xảy ra tình trạng khai thác gỗ lậu, cháy rừng và những khu vực rừng khác. 

Nhiều nhà bảo vệ môi trường, tổ chức phi Chính phủ đã chỉ trích Chính phủ, Quốc hội Brazil và Tổng thống nước này Jair Bolsonaro về những thất bại trong quản lý môi trường cũng như bảo vệ rừng Amazon.

Trách nhiệm quốc tế

Bà Luciana Gatti, một nhà khoa học khí hậu tại INPE cho biết, hoạt động bất hợp pháp hiện nay ở Amazon đang thúc đẩy tốc độ phá rừng, bà cũng tranh cãi rằng các quốc gia đang tham gia vào việc tàn phá rừng nhiệt đới bằng cách nhập khẩu các sản phẩm như gỗ và thịt bò từ Brazil.

“Nếu bạn nhập khẩu thịt bò từ Brazil, 40% trong số đó đến từ rừng Amazon – nhiều nhà nhập khẩu không yêu cầu bất kì chứng từ nào chứng minh mặt hàng này không liên quan đến nạn phá rừng. Vấn đề trong vài năm qua là giá trị đồng tiền của Brazil đã giảm, vì vậy đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thịt bò, ngô hoặc đậu nành sẽ sinh lợi hơn nhiều, và rồi họ mở rộng địa bàn của mình tại Amazon”, bà nói.

Ngày 21/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ sớm đưa ra một hiệp ước toàn khu vực Amazon nhằm giảm thiểu nạn phá rừng, trong nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Blinken đưa ra tuyên bố trên trong khuôn khổ chuyến thăm Colombia - một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Phát biểu khi đi thăm một khu bảo vệ sinh thái ở thủ đô Bogota, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định hai nước có thể xây dựng những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Blinken nhấn mạnh trong những ngày tới, Washington sẽ hoàn thiện một thỏa thuận quan hệ đối tác khu vực mới với trọng tậm chính là giải quyết nạn phá rừng do nhu cầu hàng hóa. Theo ông Blinken, sáng kiến này sẽ cung cấp thông tin cho các công ty họ có thể thực sự giảm phụ thuộc vào phá rừng để mở rộng sản xuất. 

Ngoài ra, thỏa thuận sẽ bao gồm khoản hỗ trợ tài chính nhằm giúp quản lý khu vực rừng được bảo vệ và hỗ trợ cuộc sống của người nông dân. Ngoại trưởng Mỹ cho biết thỏa thuận này có thể giúp bảo tồn 4.500 ha rừng và ngăn chặn 19 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường.

Colombia là một trong những nước đề ra những mục tiêu khí hậu tham vọng nhất trong khu vực Mỹ Latinh, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 xóa sổ hoàn toàn nạn phá rừng.

Rừng  Amazon có diện tích khoảng 5,5 triệu km2, trải dài qua lãnh thổ của 9 nước gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp. Các bang hoặc tỉnh của 4 quốc gia được đặt tên Amazonas theo tên khu rừng này. Trong số những nước trên, Brazil có diện tích rừng Amazon lớn nhất.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, diện tích rừng Amazon sụt giảm nghiêm trọng do nạn đốt phá rừng và hoạt động nông nghiệp. Ước tính, lượng khí phát thải từ những hoạt động này ở rừng Amazon cao hơn tổng lượng khí phát thải của Italy và Tây Ban Nha.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mất rừng Amazon: Trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.