Chủ nhật, 24/11/2024 10:20 (GMT+7)
Thứ ba, 21/11/2023 17:24 (GMT+7)

Lý do tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Orsted - Tập đoàn phát triển gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối và là công ty lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp này là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Tập đoàn Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng con số này lên gấp đôi vào năm 2025.

Lý do tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới dừng phát triển điện gió tại Việt Nam? - Ảnh 1
Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới.

Orsted đã từng nhắm đến Việt Nam như 1 đại bản doanh mới và thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh sân chơi này tại đây bằng việc ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược trong lĩnh điện gió ngoài khơi với Tập đoàn T&T vào tháng 9/2021.

Theo đó, hai tập đoàn dự kiến sẽ hợp tác phát triển 3 dự án tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước đạt gần 10 GW và tổng vốn đầu tư dự kiến ​​khoảng 30 tỷ USD trong thời gian 20 năm.

Tiếp đó, ngày 1/11/2022, liên danh T&T và Orsted đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển điện gió ngoài khơi.

Lý do tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới dừng phát triển điện gió tại Việt Nam? - Ảnh 2
Đại diện Liên danh T&T Group - Orsted và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ký và trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác.

Nhưng sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Liên quan đến việc hợp tác cùng tập đoàn T&T trong phát triển dự án điện gió tại 1 số địa phương, Orsted Việt Nam cho biết, không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của 2 bên.

Orsted sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với T&T và tôn trọng việc tập đoàn này tiếp tục phát triển các dự án điện gió ngoài khơi một mình hoặc với bất kỳ đối tác phù hợp nào.

Đặc biệt, Orsted sẽ rà soát đánh giá lại biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác ba bên ký với NIC để xem xét các phạm vi công việc khả thi mà Orsted có thể tiếp tục triển khai.

Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Orsted và T&T đã có thông báo gửi tới UBND 2 tỉnh Hải Phòng và Thái Bình về quyết định chiến lược của Orsted đối với hai siêu dự án điện gió ngoài khơi có công suất lần lượt 3.900MW và 3.000MW.

Theo đó, Orsted xác nhận dừng các hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam và không tiếp tục phát triển, đầu tư cho 2 dự án điện gió ngoài khơi mà liên danh này đang chung tay thời gian qua.

Lý do vì sao?

Việc Orsted dừng “cuộc chơi” phát triển điện gió tại Việt Nam trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, khiến nhiều người tiếc nuối, đặc biệt là những ai đang quan tâm đến năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.

Theo Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị, vào đầu năm 2023 đại diện Orsted ra thông điệp rõ ràng về yếu tố quyết định then chốt cho kế hoạch đầu tư của họ đó là chính sách, hướng dẫn từ Nhà nước để khuyến khích và thúc đẩy các nhà đầu tư.

Do chưa có chính sách rõ ràng, thông nhất như trên nên nhà đầu tư này chưa dám mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng.

Theo đại diện Orsted thì cả ngay khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.  

Nghị định sửa đổi Nghị định 11 về khảo sát đánh giá tài nguyên khu vực biển đang trong quá trình phê duyệt và việc độc quyền vị trí khảo sát cũng như yêu cầu về nộp dữ liệu thu thập hiện đang là các nội dung gây quan ngại lớn cho nhà phát triển dự án.

Vấn đề tiếp theo, là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng. Việc đánh giá, dự báo được nguồn doanh thu ổn định từ dự án rất quan trọng trong phân tích kinh tế tài chính.

Thêm nữa, cơ chế mua điện của Chính phủ từ các dự án điện gió ngoài khơi hiện vẫn chưa rõ ràng, Nhiều người băn khoăn sẽ là cơ chế thông qua đàm phán thương mại trực tiếp dựa trên giá trần hay cơ chế đấu thầu cạnh tranh về giá hay một mức giá mua điện cố định trong một thời gian có lợi cho nhà đầu tư.

Một yếu tố khác, là thiếu hợp đồng mua bán điện có tính vay vốn ngân hàng hay các định chế tài chính. Các dự án điện gió ngoài khơi cần hàng tỷ USD vốn đầu tư, do đó việc có sự tham gia của các bên cho vay lớn có uy tín và hợp đồng mua bán điện đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của bên cho vay là rất quan trọng.

Theo giới phân tích, việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này.

Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

Cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, dự án điện gió ngoài khơi có tính chất phức tạp, suất đầu tư lớn lại phải qua nhiều khâu khảo sát xây dựng, nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng báo cáo khả thi mới có thể ra quyết định đầu tư cuối cùng và thu xếp vốn cho dự án. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhất là giá đầu ra có tính cạnh tranh nên cần có các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư quyết tâm rót vốn vào lĩnh vực phúc tạp này.

Thực tế là các cơ chế, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng, các quy định chưa đầy đủ nên nhiều dự án điện gió ngoài khơi gặp không ít vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát, thử nghiệm. Do vậy, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo tiền đề trước mắt cho các nhà đầu tư thử nghiệm khảo sát mới có thể triển khai, ông Thập khẳng định.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Lý do tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới dừng phát triển điện gió tại Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới