Chủ nhật, 28/04/2024 11:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/06/2023 17:15 (GMT+7)

Đề xuất bổ sung siêu dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII

Theo dõi KTMT trên

Với quy mô tổng công suất lắp đặt 6.000 MW, dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ được đề xuất đưa vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Sở Công Thương TP.HCM vừa có đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Với quy mô tổng công suất lắp đặt 6.000 MW, dự án có tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng. Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 - 2035) và 550,97 ha (giai đoạn 2036 - 2040).

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ được đặt tại khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông, diện tích khảo sát rộng hơn 325 ha. Khu vực đất liền của dự án được đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM) với diện tích dự kiến khoảng 8 ha.

Theo đề xuất, dự án được chia thành 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn giai đoạn 1 (2031 - 2035) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031 và 1.000 MW (giai đoạn 2) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen vào năm 2035.

Giai đoạn giai đoạn 3 (2036 - 2040) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen.

Dự kiến số lượng điện phát lên lưới, giai đoạn 2031 - 2035 là hơn 12,3 triệu MWh/năm, giai đoạn 2036 - 2040 là hơn 24,5 triệu MWh/năm.

Đề xuất bổ sung siêu dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII - Ảnh 1
Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ được đề xuất vào Quy hoạch điện VIII, với quy mô tổng công suất lắp đặt 6.000 MW.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023, cơ cấu nguồn điện Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; Giảm và bỏ hẳn nhiệt điện than.

Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW, không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới.

Ủng hộ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi

Được biết, các vùng ven biển Cần Giờ như xã đảo Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh, xã Lý Nhơn... được đánh giá là những nơi có điều kiện thuận lợi phát triển các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió. Theo các chuyên gia, tốc độ gió tại Cần Giờ ở mức khoảng 6 - 7m/s, chỉ kém hơn tốc độ gió tại Bình Thuận.

Theo tính toán của các chuyên gia về năng lượng, Cần Giờ có 3 vị trí có thể lắp đặt 8 - 10 tuabin điện gió 1,5 MW, đó là các vị trí dọc bờ biển xã Thạnh An, dọc bờ biển thị trấn Cần Thạnh, khu vực đuôi Sam tại xã Lý Nhơn.

Đặc biệt, việc ứng dụng và phát triển công nghệ điện gió tại Cần Giờ có ý nghĩa to lớn cho xã đảo Thạnh An, nơi có tiềm năng phát triển năng lượng gió và có khoảng gần 1.000 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia do xã đảo nằm biệt lập cách bờ gần 10 km.

Góp ý về dự án này, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho rằng phát triển năng lượng sạch là xu thế toàn cầu. Do đó, UBND huyện Cần Giờ ủng hộ việc đầu tư dự án khai thác điện gió ngoài khơi.

Do dự án sử dụng diện tích mặt biển lớn, các đơn vị trong quá trình thẩm định cần xem xét sự tác động đến môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngoài ra, các cơ quan cần đánh giá luồng tàu tác động ra vào các cảng quốc tế, vấn đề an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho ngư dân vì vùng biển đánh bắt bị thu hẹp.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đề nghị chủ đầu tư cần thực hiện ngay việc đăng ký với các cơ quan chức năng để đưa ra nguồn năng lượng gió công suất 6.000 MW này vào trong các kịch bản huy động của sơ đồ điện 8.

Đồng thời, phải tính toán trào lưu công suất khi thực hiện nhà máy đến các chế độ vận hành của lưới điện khu vực TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. EVNHCMC cũng kiến nghị chuẩn xác lại lựa chọn công nghệ cho các tuabin phát điện.

Không chỉ thế, do vị trí dự kiến đặt nhà máy điện gió có vị trí nằm ngoài khơi huyện Cần Giờ nên cũng cần có sự lưu ý của cơ quan chuyên môn về quản lý an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.

Theo Sở TN&MT, hành lang an toàn công trình điện gió cần trình bày cơ sở để áp dụng tính toán diện tích theo giai đoạn 2031-2025 và 2036-2040.

Đồng thời, doanh nghiệp cần trình bày ảnh hưởng của các tuabin gió đến cảnh quan môi trường biển, tác động đến tầm nhìn về không gian biển, hoạt động đánh bắt thủy sản và sinh kế của người dân.

Trong khi đó, theo góp ý của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, khu vực ranh giới nghiên cứu của dự án này không nằm trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, nên thành phố không có cơ sở pháp lý để đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Do vậy, Sở Công Thương đã có kiến nghị gửi văn bản đề nghị liên doanh các nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ liên hệ Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn các thủ tục khảo sát, đề xuất bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong năm 2022 tình hình cung cấp điện trên địa bàn thành phố ổn định, an toàn, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Cụ thể, sản lượng điện năm 2022 đạt 27.885,28 triệu kWh, tăng 10,41% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng điện thương phẩm đạt 27.092,52 triệu kWh, tăng 11,03% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng điện tiết kiệm đạt 553,96 triệu kWh, chiếm 2,04% điện thương phẩm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất bổ sung siêu dự án điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới