Lương Sơn - Hòa Bình: Một xã 'gánh' 17 dự án khai thác đá, người dân "kêu trời" vì bụi
Người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhưng dường như không ai thấu - dân kêu thì kệ dân.
Thủ phủ khai thác đá
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh trong loạt bài ô nhiễm môi trường từ các mỏ khai thác đá tại Lương Sơn (Hòa Bình) tháng 7/2022. Tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua tình trạng này vẫn tiếp diễn cho dù người dân đã nhiều lần đơn thư tới các cấp chính quyền, cực chẳng đã nhiều lần họ đã phải chặn đường vào mỏ để yêu cầu doanh nghiệp, chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị về môi trường, dân sinh…
Theo thông tin từ Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cung cấp thì trên địa bàn toàn tỉnh có 93 dự án hoạt động khai thác khoáng sản. Các mỏ khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lương Sơn 49 dự án (chiếm 52,6%).
Tổng trữ lượng khoáng sản đã cấp phép là 406 triệu m3, trong đó trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường là 350 triệu m3, riêng huyện Lương Sơn là 293 triệu m3 (chiếm tới 84%).
Nếu huyện Lương Sơn là 'thủ phủ' mỏ khai thác đá của tỉnh Hòa Bình thì xã Cao Dương là thủ phủ của huyện Lương Sơn (17 dự án). Chỉ tính riêng khu vực thôn Đồng Om (khoảng 50 hộ dân với trên 200 nhân khẩu) đã phải gánh chịu tới 7 mỏ khai thác đá bủa vây.
Có mặt tại hiện trường cũng như đi trên con đường dẫn vào khu dân cư, mới thấy hết được sự tàn phá của các mỏ đá không chỉ môi trường cây cối, nhà cửa được phủ lớp bụi trắng xóa, cửa nhà lúc nào cũng phải đóng nếu như không muốn “ăn trong bụi đá, ngủ trong bụi đá”. Tiếng máy xay nghiền đá ồn ã suốt ngày đêm, tiếng nổ mìn ùng oàng làm cho người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Con đường vào xóm đầy những ổ voi, ổ trâu bởi binh đoàn xe tải trọng lớn hàng chục tấn ngày đêm ra vào ăn hàng. Cuộc sống của người dân thôn Đồng Om, Cao Dương thật sự bấp bênh, đảo lộn.
Dân kêu nhiều nhưng...
Mới đây, Nhóm Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục nhận được đơn thư kêu cứu của người dân thuộc thung Ngái Om, thôn Đồng Om, xã Cao Dương về việc họ tiếp tục phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường từ mỏ đá Thung Nai thuộc công ty TNHH MTV XNK TM và PTĐT Hiệp Cường.
Theo thông tin người dân cung cấp mỏ đá này đi vào hoạt động từ ngày 05/02/2023, cho dù mới khai thác nhưng mỏ đá đã lắp đặt dây truyền và máy móc cỡ lớn với công suất hàng trăm tấn/h. Xe vận chuyển đá chủ yếu là những xe có trọng tải lớn khai thác đến tận 24 giờ đêm.
Con đường vận chuyển vào mỏ đá do đi chung đường dân sinh nên xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân khi đi lại, nhất là các cháu nhỏ hàng ngày trên đường đến trường.
Cũng theo phản ánh của người dân mỏ đá này chỉ cách nhà dân khoảng 50m nên khi mỏ đá hoạt động, tiếng ồn của các thiết bị phát ra rất lớn gây đinh tai nhức óc. Mỗi lần nổ mìn làm chấn động, dung lắc nhà cửa, bụi do quá trình nổ mìn và xe vận chuyển đá từ mỏ khai thác bao chùm cả xóm. Mỗi lần nổ mìn người dân phải tìm nơi ẩn nấp.
Bởi có lần mỏ đá nổ mìn đá bay vào nhà anh Nguyễn Xuân Hợp làm thủng nhà bếp với chiều rộng 30cm, dài 70 cm. Hay mới đây ngày 09/8/2023 mỏ đá nổ mìn làm đất đá bắn hết vào nhà dân làm thủng mái chuồng trại nhà bà Nguyễn Thị Riên, đất đá vương vãi khắp nơi.
Từ khi mỏ đá hoạt động đã gây xáo trộn cuộc sống của người dân địa phương ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của các hộ dân, mọi công việc sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn. Đặc biệt là trẻ nhỏ không thể tập trung học tập, có khả năng mắc các bệnh về hô hấp, loạn thần, điếc, não…
Người dân khu vực thung Ngái Om cũng như thôn Đồng Om chỉ có mong muốn được di chuyển khỏi khu vực khai thác đá vì sức khỏe, cuộc sống và tương lai của gia đình họ. Bởi thực tế họ không thể trụ lại được nơi mà mỏ đá bủa vây tứ phía.
Về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc và trao đổi với ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương. Ông Khiên cho rằng: “Việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân là có thật. Khu vực Đồng Om đã được quy hoạch xây dựng nhà máy xi măng và các hộ dân thuộc khu vực này sẽ được chuyển đi phục vụ dự án. Còn chuyển đi đâu và khi nào dự án triển khai thì địa phương cũng không nắm được”.
Như vậy người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương cho dù đã nhiều lần đơn thư kêu cứu gửi tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhưng cho đến thời điểm hiện tại hiểm họa từ khai thác đá tại đây vẫn diễn ra hàng ngày.
Trao đổi vấn đề này GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: Luật pháp Việt Nam yêu cầu rất rõ việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, các quy hoạch (QH), kế hoạch (KH) phát triển phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), báo cáo ĐMC phải được thẩm định, xem xét khả năng tác động của việc thực hiện QH, KH đến môi trường và nếu thấy có những tác động lớn thì phải điều chỉnh QH, KH hoặc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động có hại đến mức chấp nhận được.
Đối với các dự án phát triển như nhà máy, khu công nghiệp, công trình xây dựng, khai thác khoáng sản,… thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo này phải được thẩm định, xem xét để dự án phát triển không gây nhiều tác động xấu đến môi trường và chủ dự án phải cam kết tuân thủ các cam kết xử lý chất thải, giám sát, quan trắc môi trường và nếu xảy ra sự cố thì có trách nhiệm xử lý, khi cần phải đền bù thiệt hại do mình gây ra.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Văn Dân - Kiên Giang