Lượng khí thải metan tăng vọt đến mức kỷ lục
Ghi nhận của các nhà khoa học gần đây, lượng khí thải metan trên toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu bởi sự gia tăng khí thải từ khai thác than, sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên, chăn nuôi gia súc cùng những bãi rác ùn ứ.
Từ năm 2000-2017, phát thải khí nhà kính đã có chiều hướng tăng cao, các mô hình khí hậu cảnh báo điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ nóng lên 3-4 độ C trước khi kết thúc thế kỷ này.
Đây là ngưỡng nhiệt nguy hiểm mà các nhà khoa học cho rằng các thảm họa tự nhiên, bao gồm cháy rừng, hạn hán, lũ lụt cũng như nạn đói, di cư hàng loạt trở nên phổ biến - Phát hiện được phác thảo trong hai bài báo xuất bản ngày 14/7 trên Tạp chí Nghiên cứu Môi trường và Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái đất với Dự án Carbon toàn cầu do nhà khoa học Rob Jackson của Đại học Stanford làm trưởng nhóm nghiên cứu.
Vào năm 2017, bầu khí quyển Trái đất đã hấp thụ gần 600 triệu tấn khí không màu, không mùi, mạnh hơn 28 lần so với carbon dioxide khi giữ nhiệt trong khoảng thời gian 100 năm. Hơn một nửa lượng khí thải metan hiện nay đến từ các hoạt động của con người. Lượng khí thải metan hàng năm tăng 9%, tương đương 50 triệu tấn mỗi năm, từ đầu những năm 2000, khi nồng độ metan trong khí quyển tương đối ổn định.
Trên toàn cầu, các nguồn nhiên liệu hóa thạch và những con bò là là nguyên nhân khiến khí metan tăng cao. “Phát thải từ gia súc và các loài động vật nhai lại khác lớn gần bằng lượng phát thải từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch”- Jackson, giáo sư khoa học hệ thống Trái đất tại Trường Khoa học Trái đất, Năng lượng & Môi trường (Stanford) cho biết. Trong suốt thời gian nghiên cứu, nông nghiệp chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khí thải metan liên quan đến các hoạt động của con người; nhiên liệu hóa thạch góp phần đứng thứ ba những tác động còn lại.
Lượng khí thải metan từ nông nghiệp đã tăng lên 227 triệu tấn trong năm 2017, tăng gần 11% so với mức trung bình của những năm 2000-2006. Khí metan từ sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đạt 108 triệu tấn trong năm 2017, tăng gần 15% so với giai đoạn trước.
Trong khi đại dịch Covid-19 diễn ra, lượng khí thải carbon giảm mạnh khi sản xuất và vận chuyển bị đình trệ. Nhưng lượng phát thải khí metan không giảm nhiều như lượng khí thải carbon dioxide vì con người vẫn phải sưởi ấm nhà cửa và nền nông nghiệp vẫn phải tiếp tục phát triển.
Nghiên cứu cũng cho thấy, phát thải khí mêtan tăng mạnh nhất ở châu Phi và Trung Đông; Trung Quốc; Nam Á và Châu Đại Dương, bao gồm Úc và nhiều đảo Thái Bình Dương. Mỗi khu vực trong số ba khu vực này đã tăng lượng khí thải ước tính khoảng 10 đến 15 triệu tấn mỗi năm. Hoa Kỳ theo sát phía sau, lượng phát thải khí metan tăng 4,5 triệu tấn, chủ yếu là do khoan, phân phối và tiêu thụ khí đốt tự nhiên nhiều hơn.
Châu Âu là điểm sáng khi trở thành khu vực duy nhất có lượng khí thải metan giảm trong hai thập kỷ qua. “Chính sách tốt và quản lý sát sao đã giúp châu Âu giảm lượng khí thải từ các bãi chôn lấp, phân bón và các nguồn khác. Người dân cũng ăn ít thịt bò, tăng cường ăn thịt gia cầm và cá”, Marielle Saunois của Đại học Versailles Saint-Quentin ở Pháp, tác giả chính của nghiên cứu Dữ liệu hoa học hệ thống trái đất cho biết.
Trong khi đó, các vùng nhiệt đới và ôn đới chứng kiến sự tăng vọt lớn nhất về khí thải metan.
Theo Jackson, việc hạn chế khí thải metan đồng nghĩa với việc yêu cầu các quốc gia phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kiểm soát khí thải “chạy trốn” như rò rỉ từ đường ống và giếng, cũng như thay đổi cách chúng ta cho gia súc ăn, cách trồng lúa và thành phần bữa ăn của con người. “Chúng ta nên ăn ít thịt hơn và giảm khí thải liên quan đến chăn nuôi gia súc, lúa gạo”, Jackson nói.
Phương Ly