Thứ bảy, 27/04/2024 02:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/04/2023 06:00 (GMT+7)

Long An: Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Với nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, song hiện nay, cơ chế, chính sách dành cho phát triển năng lượng tái tạo tại Long An còn không ít khó khăn, bất cập.

Tỉnh Long An được đánh giá là địa bàn có tiềm năng kỹ thuật lớn để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời với số giờ nắng trung bình từ 2.350-2.900 giờ, cường độ bức xạ mặt trời từ 4,9-5,1kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện mặt trời.

Đối với điện mặt trời áp mái, mặc dù dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tính toán tỉnh Long An chỉ có tiềm năng kỹ thuật khoảng 1.178MW, song mức tính này thấp hơn nhiều so với tiềm năng của tỉnh. Trong đó, diện tích các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch sau khi rà soát khoảng 15.000ha.

Long An: Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn - Ảnh 1
Nhà máy điện mặt trời tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

Chính vì vậy, tiềm năng kỹ thuật về điện mặt trời áp mái của tỉnh dự kiến khoảng 10.000MW. Hiện tại, Công ty Điện lực Long An ký hợp đồng mua bán điện với 2.582 khách hàng đấu nối lưới điện trung, hạ áp với tổng công suất 510,799MWp.

Mặc dù phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Long An có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, hiện cơ chế, chính sách dành cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời còn không ít khó khăn, bất cập.

Tổng Giám đốc Cty TNHH Hoàn Cầu Long An - Nguyễn Ngọc Nhật cho biết, điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất điện không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống khác.

Hiện nay, tại nhiều khu vực của tỉnh vẫn còn các vùng đất bị nhiễm phèn nặng hoặc thường xuyên bị ngập nước với diện tích lớn, nhiều vùng kinh tế của tỉnh còn khó khăn, khả năng kết nối hạ tầng giao thông, tiện ích chưa đầy đủ.

Do đó, việc kêu gọi đầu tư vào các dự án nhà máy điện mặt trời vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, vừa đóng góp cho ngân sách địa phương. Đồng thời, phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn này còn có thể tận dụng được nguồn phụ tải lớn từ TP.HCM và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong tương lai.

“Khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư là theo quy định hiện hành, để đầu tư dự án phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, nhất là thủ tục đất đai. Việc đưa dự án vào hoạt động phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành Điện, quy hoạch sử dụng đất; trong khi đó, các quy hoạch này phải đồng bộ thì dự án mới đủ điều kiện cấp phép đầu tư, dẫn đến những khó khăn đối với nhà đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời”, ông Nhật cho biết thêm.

Trước khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, trong tháng 3/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngoài trực tiếp khảo sát một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng làm việc với một số ngành liên quan.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An ông Nguyễn Thanh Hải, từ thực tế của cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục đối với các dự án điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái như việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm phát huy hiệu quả bền vững nguồn năng lượng tái tạo phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, tỉnh Long An đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh 9 dự án điện mặt trời với tổng công suất 489,1MWp.

Trong đó, 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 149,5MWp và 7 dự án được Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với tổng công suất 339,6MWp.

Đến nay, có 8 dự án nhà máy điện mặt trời hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện thương mại và 1 dự án đang trong quá trình triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn 10 dự án với tổng công suất 1.180,4MWp đã được Bộ Công Thương thẩm định nhưng chưa phê duyệt quy hoạch.

Thanh Thanh

Bạn đang đọc bài viết Long An: Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới