Dông lốc, mưa đá nhiều hơn do El Nino
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nền nhiệt ở nước ta cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong 2 – 3 ngày gần đây, các tỉnh miền Bắc, nhất là khu vực vùng núi, trung du và thậm chí ở thủ đô Hà Nội liên tục xảy ra hiện tượng dông, lốc, nhiều nơi đã xuất hiện mưa đá gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tổng hợp báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ và Quảng Ninh cho thấy, mưa kèm theo dông, lốc xảy ra từ đêm 19/4 đến ngày 21/4 đã khiến 1 người thiệt mạng, 8 người bị thương. Tổng cộng đã có gần 6.900 căn nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 53 điểm trường bị tốc mái, thiệt hại; hơn 1.500 ha lúa, hoa màu cùng nhiều chuồng, trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, hàng trăm công trình dân sinh bị thiệt hại và một số cây xanh bị gãy đổ. Riêng tại huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) bị mất điện toàn huyện do hư hỏng hệ thống đường điện 110, dự kiến trong ngày 22/4 mới khắc phục xong.
Tại Hà Nội, thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trận mưa dông kèm sấm sét lớn tối 20/4 đã làm gãy, đổ khoảng 415 cây xanh trên địa bàn nhiều quận, huyện.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dông lốc, mưa đá xảy ra do những ngày qua, một rãnh áp thấp có trục 23 – 25 độ vĩ Bắc, dịch chuyển từ khu vực phía Nam Trung Quốc xuống. Sự dịch chuyển bị tác động bởi khối không khí mát từ lục địa Trung Quốc đẩy xuống. Sự tương tác tạo ra quá trình đối lưu mạnh ở Bắc Bộ. Hệ quả là mưa dông mạnh xảy ra ở miền Bắc và gây ra thời tiết cực đoan như gió mạnh, lốc sét, thậm chí là mưa đá.
Khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa nên tháng 4, 5 và đầu tháng 6 khả năng cao sẽ tiếp tục xuất hiện dông, lốc, sét, mưa đá trong thời gian tới. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên trú mưa dưới gốc cây, phòng trừ trường hợp cây xanh bật gốc, gẫy đổ và thậm chí dông, lốc sét có thể đánh vào cây, có thể ảnh hưởng đến sinh mạng. Khi có hiện tượng dông lốc nên tìm chỗ trú ẩn trong nhà, không đi ra ngoài trời. Cần theo dõi thông tin cập nhật trên hệ thống website của Trung tâm và các phương tiện thông tin đại chúng để có phương án phòng tránh phù hợp” – ông Hưởng chia sẻ.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất tạo ra hiện tượng chớp và sấm sét thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá.
Dông được hình thành khi có đối lưu mạnh, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột như sự giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm không khí, đột biến của khí áp, hướng và tốc độ gió. Địa hình cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh và phát triển mây dông.
Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và hoạt động mạnh nhất là ở vùng ven biển. Trên lục điạ dông thường xảy ra vào mùa nóng, khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển và thường xảy ra vào buổi chiều và tối. Vùng đồi núi, vùng tiếp giáp với đồi núi ở hướng đón gió là nơi dông thường xuất hiện nhiều. Ở vùng biển gần ven bờ thì dông thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn bởi vì vào ban đêm sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển.
Dông thường đem lại hệ quả rõ rệt nhất là mưa rào với cường độ lớn, tổng lượng mưa lớn. Dông cũng thường gây ra sét. Sét có thể làm chết người, cháy nhà, và nhất là đánh vào các đường truyền điện.