Long An: Phấn đấu đến năm 2030 có 125.000ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Tỉnh Long An đưa ra mục tiêu đến năm 2030, về quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh đạt 125.000ha.
Ngày 10/4 vừa qua, tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quí I/2024, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, ngày 05/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đưa ra là đến năm 2030, tỉnh Long An hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Để thực hiện, tỉnh đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, về quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 60.000ha; đến năm 2030 về quy mô diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh đạt 125.000ha.
“Trong các tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng Sông cửu Long thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” thì tỉnh Long An cũng có những nền tảng thuận lợi trong thực hiện Đề án”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An thông tin.
Thời gian qua, tỉnh Long An triển khai, thực hiện chương trình đột phá của Tỉnh ủy về phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cây lúa. Qua đánh giá, các nội dung, giải pháp trong chương trình này cũng phù hợp với chỉ đạo thực hiện đề án.
Theo quyết định mà tỉnh Long An ban hành kế hoạch thực hiện tại địa bàn tỉnh thì Đề án được triển khai tại 8 huyện, thị xã của tỉnh: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Nguồn vốn thực hiện Đề án gồm ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh; nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác; nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Long An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai, thực hiện Đề án.
T.Thanh