Long An kêu gọi đầu tư vào 4 dự án trung tâm Logistic với tổng diện tích gần 222 ha
Theo kế hoạch ưu tiên thu hút đầu tư đến năm 2025, tỉnh Long An sẽ có 4 dự án trung tâm Logistic với diện tích gần 222 ha. Qua đó, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, kết nối, vận chuyển hàng hóa với các tỉnh và vùng lân cận.
Long An có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ giao thoa giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Đông Nam bộ, giáp ranh Campuchia. Nhiều năm qua, tỉnh đóng vai trò cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ và đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển Kinh tế -Xã hội nhanh, bền vững.
Với lợi thế về vị trí cùng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực, Long An đã chú trọng đầu tư hệ thống trung tâm logistic nhằm phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc) đang khai thác đáp ứng tốt nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực.
Trong kế hoạch tỉnh Long An quan tâm quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư các trung tâm logilogis. Qua đó, đẩy mạnh giao lưu kinh tế, kết nối, vận chuyển hàng hóa giữa Long An với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sự phát triển của logistics sẽ góp phần thúc đẩy sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, tăng sức mạnh cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp của Long An nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út chia sẻ, Long An sẽ tận dụng vị trí địa lý cửa ngõ ĐBSCL để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc ĐBSCL với TP.HCM, Đông Nam bộ và Campuchia.
Do đó, trong 25 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 được công bố mới đây của tỉnh Long An, có 4 dự án về logistics ở các huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Châu Thành và huyện Cần Đước; 8 dự án cụm công nghiệp ở các huyện Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng.
4 dự án trung tâm logistics đang được Long An mời gọi đầu tư có địa chỉ tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh là, Trung tâm Kho vận và Dịch vụ logistics tại xã Lương Hòa huyện Bến Lức, quy mô 50 ha; Dự án tại xã Phước Vĩnh Đông huyện Cần Giuộc, quy mô 71,2 ha; Dự án tại xã Hiệp Thạnh huyện Châu Thành, quy mô 25,7ha và dự án tại xã Phước Tuy huyệ Cần Đước, quy mô 75ha.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Long An, tất cả các dự án đều phù hợp theo quy hoạch tỉnh. Thời gian hoạt động của các dự án là 50 năm. Về tổng vốn đầu tư, tỉnh sẽ sẽ theo đề xuất của nhà đầu tư với hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng theo Sở KH&ĐT, việc phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh, cũng phù hợp với mục tiêu hoàn thiện cơ cấu quy hoạch của Chính Phủ về việc mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ giao nhận, logictics Việt Nam đến năm 2025. Qua đó cải thiện chỉ số hiệu quả logistics nói riêng cho tỉnh.
Hiện Long An có Cảng quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc đang hoạt động. Nên khi mở rộng hệ thống Logistics sẽ càng tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động XNK, cung ứng và phân phối hàng hóa, dịch vụ, từ đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thạch Phạm