Long An hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững
Long An tập trung phát triển xanh và bền vững, triển khai nhiều giải pháp để cải thiện Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phúc tạp như hiện nay, phát triển kinh tế xanh, bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều địa phương tại Việt Nam. Tỉnh Long An với tầm nhìn chiến lược cùng với quyết tâm mạnh mẽ đang nỗ lực hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững, góp phần vào sự phát triển toàn diện của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế xanh
Kinh tế xanh theo định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2010 là một mô hình kinh tế hướng tới cải thiện cuộc sống của con người và bảo vệ hành tinh. Nói cách khác, kinh tế xanh là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, kinh tế xanh nhấn mạnh vào các hoạt động tạo ra giá trị kinh tế đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và cộng đồng phải chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm thiểu chất thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.
Phát triển kinh tế xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển dài hạn. Kinh tế xanh giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và khuyến khích các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững. Đồng thời, nó còn tạo ra những cơ hội việc làm mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đây cũng được xem là một giải pháp toàn diện để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Bằng cách kết hợp tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội, kinh tế xanh giúp chúng ta xây dựng một tương lai bền vững, thịnh vượng, công bằng cho tất cả mọi người.
Long An thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Để phát triển kinh tế xanh và bền vững, tỉnh Long An đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tăng cường giám sát môi trường là một trong những biện pháp chủ đạo của tỉnh. Chính sách ưu đãi bao gồm giảm thuế, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật với mục đích thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp xanh, khuyến khích họ mở rộng quy mô. Đồng thời, những doanh nghiệp chưa chuyển đổi xanh cũng được hưởng các ưu đãi khi bắt đầu tiến hành quá trình này.
Phát triển xanh và bền vững là trọng tâm trong định hướng kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Trong những năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu cải thiện các điểm số thành phần trong bộ Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Năm 2023, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, chỉ số PGI của tỉnh đạt 23,07 điểm, xếp hạng 12 toàn quốc, tăng 16 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, chỉ số thành phần liên quan đến chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ môi trường nằm trong nhóm ba tỉnh cao nhất cả nước.
Các sở, ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai những hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, xử lý các trường hợp vi phạm quy định. Nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng trong công tác quản lý môi trường. Quy trình tiếp nhận đầu tư cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao có định hướng phát triển xanh và bền vững.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An đang vận hành 6 trạm quan trắc tự động, gồm 3 trạm không khí và 3 trạm nước. Ngoài ra, cơ quan này cũng theo dõi 42 trạm quan trắc khí thải, nước thải của các doanh nghiệp có nguồn thải lớn với tần suất 5 phút một lần. Sở còn tiến hành kiểm tra chất lượng nước trên các tuyến sông, kênh, rạch chính, môi trường không khí tại các khu dân cư, khu công nghiệp và các chốt giao thông chính với tần suất một lần mỗi quý.
Với những nỗ lực không ngừng, Long An đang dần khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh và bền vững. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xanh phát triển. Mục tiêu của Long An là xây dựng một nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về mặt kinh tế mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho môi trường và xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả nước.
Sự tích cực của các doanh nghiệp trong việc tham gia phát triển nền kinh tế xanh
Với vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của khu vực phía Nam, Long An đã và đang tích cực triển khai các giải pháp xanh để đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp tại địa phương đã có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất như hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, năng lượng mặt trời và quản lý chất thải hiệu quả.
Điển hình là Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, đơn vị đầu tư đã xây dựng hai nhà máy cấp nước sạch công suất 11.000 m3/ngày. Hệ thống xử lý nước thải tại đây sử dụng công nghệ AAO, bảo đảm 100% đầu ra đạt tiêu chuẩn. Với hai nhà máy cấp nước sạch công suất lớn và hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, khu công nghiệp này không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, việc lắp đặt điện mặt trời tại các nhà xưởng và hình thành chuỗi cung ứng liên kết nội khu đã tạo ra một hệ sinh thái sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.
Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp mới như Prodezi Long An cũng cho thấy xu hướng chuyển đổi xanh đang ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm. Khu công nghiệp với quy mô 400 ha được quy hoạch theo hướng sinh thái, ưu tiên những ngành nghề, doanh nghiệp công nghệ cao. Khuôn viên dành đến 50 ha cho không gian cây xanh, mặt nước. Việc dành một diện tích lớn cho không gian xanh và ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao đã khẳng định cam kết của Long An trong công tác xây dựng một môi trường sản xuất sạch, bền vững.
Tỉnh có hơn 2.200 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 300.670 tỉ đồng và hơn 1.300 dự án đầu tư nước ngoài với nguồn vốn 11,2 tỉ USD. Trong 6 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh khởi công nhiều dự án công nghiệp, thương mại có vốn đầu tư lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất. Long An đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có ý thức về môi trường. Việc các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án xanh không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn tạo ra một hình mẫu cho các địa phương khác trong cả nước.
Những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt và các mục tiêu sắp tới để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế xanh, Long An vẫn còn một số thách thức cần giải quyết để nâng cao Chỉ số PGI. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, một trong những vấn đề nổi bật là việc một số cụm công nghiệp. Điển hình như Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và Hoàng Gia, chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có hệ thống thu gom nước thải đô thị hoàn chỉnh và gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào nhà máy xử lý chất thải rắn.
Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Long An đã và đang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trong thời gian tới, việc nhân rộng các mô hình sản xuất xanh hiệu quả và huy động nguồn lực từ các đối tác sẽ được ưu tiên. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ xanh.
Với tầm nhìn trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030, tỉnh Long An đã xác định rõ mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và đổi mới sáng tạo. Việc nâng cao Chỉ số PGI là một động lực để thu hút đầu tư, tạo ra môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Thanh Mai