Lợn đất châu Phi đổi thói quen săn mồi từ đêm sang ngày
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra thú ăn kiến Aardvark, còn gọi là lợn đất, đã thay đổi thói quen kiếm ăn của mình từ ban đêm sang ban ngày, vì có thể chúng không kiếm đủ thức ăn vào ban đêm do hạn hán khốc liệt ở châu Phi.
Cảnh lợn đất tìm kiếm thức ăn vào ban ngày đang trở nên phổ biến hơn, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu lương thực do hạn hán gây ra. Ảnh: Đại học Wits. |
Lợn đất (Aardvark) sống ở khắp vùng châu Phi và phía nam sa mạc Sahara. Tên của nó được đặt dựa vào hình dáng bên ngoài của loài động vật đặc biệt này, chúng có mõm dài giống heo, đôi tai thỏ và đuôi giống kangaroo.
Rất ít người nhìn thấy lợn đất vì chúng đơn độc, chủ yếu hoạt động vào ban đêm và sống trong hang. Chúng sử dụng móng vuốt giống như thuổng của mình để đào hang, tìm kiến và mối để ăn.
Aardvark thường tìm kiếm thức ăn tại các đồng cỏ, rừng, một tên gọi khác của chúng là “thú ăn kiến“. Một cá thể lợn đất có thể di chuyển quãng đường vài kilomet để tìm kiếm những tổ mối. Lúc này, chúng sẽ dùng móng trước cào lớp vỏ cứng của tổ mối, kiến, sau đó sử dụng lưỡi dài để dính côn trùng lên. Để tránh việc côn trùng tấn công lại mình, lợn đất được tạo hóa ban tặng lớp da dày, cùng chân trước linh hoạt.
Nhìn thấy lợn đất kiếm ăn trong ngày đang trở nên phổ biến ở những vùng khô hạn ở miền nam châu Phi. Ảnh: Đại học Wits. |
Tuy nhiên, việc nhìn thấy lợn đất kiếm ăn ban ngày đang trở nên phổ biến hơn ở những vùng khô hạn ở miền nam châu Phi. Mặc dù việc nhìn thấy lợn đất là niềm vui của nhiều người đam mê động vật hoang dã, các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm sinh lý bảo tồn động vật hoang dã tại Đại học Witwatersrand (Wits) cảnh báo rằng việc nhìn thấy lợn đất vào ban ngày không tốt cho loài động vật bí hiểm này.
Nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học Nam Phi đến từ Đại học Wits và các cộng tác viên từ Đại học Cape Town và Đại học Pretoria chứng minh sự thay đổi từ hoạt động ban đêm sang hoạt động ban ngày của loài thú ăn kiến này có ý nghĩa như thế nào đối với sự nóng lên và hạn hán ở đây. Các nhà khoa học đã nghiên cứu lợn đất sống ở Tswalu, một khu bảo tồn ở Kalahari nằm ở rìa phân vùng của lợn đất. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Physiology.
Các nhà nghiên cứu đã ghi lại nhiệt độ cơ thể và hoạt động của lợn đất trong ba năm. Trong thời gian đó, Tiến sĩ Nora Weyer đã theo dõi lợn đất như một phần trong nghiên cứu tiến sĩ của cô.
Từ hình ảnh hạn hán ảnh hưởng đến thảm thực vật do vệ tinh cung cấp, Tiến sĩ Weyer đã kết nối những thay đổi trong hành vi và nhiệt độ cơ thể với những gì đang xảy ra trong môi trường của lợn đất.
Nghiên cứu của Weyer đã xác nhận những phát hiện trước đó của nhóm rằng, có những lúc lợn đất chuyển sang kiếm ăn vào ban ngày, và lần đầu tiên, hạn hán đã gây ra sự thay đổi đó.
Tiến sĩ Robyn Hetem, đồng tác giả nói: “Chúng tôi nghi ngờ đó là do hạn hán, nhưng chúng tôi cần một bộ dữ liệu toàn diện, lâu dài để xác nhận chính hạn hán gây ra hành vi bất thường này”.
Bẫy ảnh chụp một con lợn đất rời khỏi hang để kiếm ăn vào ban đêm. Ảnh: Đại học Wits. |
Khu bảo tồn Kalahari trở nên khô cằn vào thời điểm tốt nhất trong năm, hạn hán đã giết chết thảm thực vật nuôi kiến và mối. Hầu hết những con kiến và mối biến mất.
Bằng cách chuyển hoạt động từ những đêm lạnh sang ngày ấm áp trong những tháng mùa đông khô hanh, lợn đất có thể tiết kiệm một phần năng lượng cần thiết để giữ cho nhiệt độ cơ thể của chúng tăng lên. Nhưng điều đó không đủ để lợn đất trải qua một đợt hạn hán đặc biệt tồi tệ, nhiều con lợn đất đã chết.
Trước đây, lợn đất đã phải đối phó với môi trường khắc nghiệt của Kalahari. Nhưng khí hậu ngày càng nóng hơn, biến đổi của khí hậu trong hiện tại và tương lai có thể là quá sức chịu đựng đối với những con lợn đất, Tiến sĩ Weyer cho biết.
Giáo sư Andrea Fuller, người đứng đầu Dự án Hệ sinh thái có nguy cơ tuyệt chủng Kalahari (KEEP) cho biết, Kalahari là một hệ sinh thái độc đáo và có khả năng dễ bị tổn thương.
Sự biến mất của lợn đất ở Kalahari sẽ gây ra sự tàn phá đối với nhiều loài động vật khác trong hệ sinh thái này. Các hang lớn mà lợn đất đào ra cung cấp nơi trú ẩn quan trọng cho nhiều loài khác không thể đào hang.
Thật không may, tương lai có vẻ ảm đạm đối với lợn đất ở Kalahari và các động vật sử dụng hang của chúng. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cốt lõi, nhưng không có cách khắc phục nhanh chóng, Tiến sĩ Weyer nói.
Bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi sự hiểu biết nhiều hơn về khả năng của động vật đối phó với hạn hán. Và điều đó có nghĩa là cần nhiều nghiên cứu toàn diện lâu dài hơn về sinh lý và hành vi, giống như nghiên cứu mà Tiến sĩ Weyer và các đồng nghiệp của cô đã thực hiện tại Tswalu.
Hoa Lan