Lợi ích kép từ việc phân loại rác tại nguồn
Việc phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng đắn, vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế vừa đáp ứng được vấn đề giảm tải đối với môi trường, vừa tận dụng tài nguyên.
Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với tỉ lệ 91,91% với mục tiêu hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho quốc gia và người dân.
Trong đó có một số nội dung liên quan đến việc yêu cầu hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện phân loại rác tại nguồn… Và đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải nếu rác thải chưa được phân loại theo quy định.
Trước khi Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) được thông qua, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (từ những năm 1999 tại TP.HCM và 2007 đối với Hà Nội), đến nay nhiều địa phương trên cả nước cũng đã triển khai thí điểm.
Cụ thể năm 2007 TP.Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Đây là dự án phân loại chất thải tại nguồn (3R Hà Nội) được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Dự án bước đầu đã đưa khái niệm phân loại, thu gom, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học tại địa phương trong năm học 2007 – 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực tiếp theo trên địa bàn (Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ).
Sau khi dự án kết thúc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Một số khu vực vẫn sử dụng các phương tiện thu gom chất thải rắn thủ công, vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường.
Tại khu vực nội thành, hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày đã được thu gom nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.
Nhận thấy những lợi ích của việc phân loại rác thải đem lại, từ đầu tháng 8/2020, UBND quận Hoàn Kiếm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đã phối hợp thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa. Chương trình hiện đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.
Tuy nhiên cũng giống như chương trình thí điểm trước đây, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện chưa được nhân rộng trong cộng đồng dân cư, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. Sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể không thường xuyên, chưa đồng bộ mà chỉ mang tính phong trào.
Trong khi đó, tại TP.HCM hiện mỗi ngày thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỉ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6-10%. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Theo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM, công tác xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cụ thể, công tác này chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Điều này gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng môi trường.
Ngoài ra, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cũng chưa đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, việc phân loại rác tại nguồn là giải pháp rất cần thiết, tạo nền tảng cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về giải pháp xử lý chất thải rắn tối ưu.
Cho nên, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, đơn vị xử lý rác thải có nhiều giải pháp hơn trong xử lý tái chế chất thải. Qua đó, không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội.
Nhận thấy được sự cần thiết của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, TP.HCM đã đưa ra kế kế hoạch thực hiện theo phương thức mới giai đoạn 2020 trở đi. Cụ thể, để thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM về đổi mới phương thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành hai nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM đã trình UBND TP kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng phân loại thành hai nhóm chính, đó là: Rác tái chế và rác còn lại, để người dân dễ thực hiện. Đặc biệt, giải pháp này sẽ không làm thay đổi phương thức thu gom, rác phát sinh tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn được thu gom hàng ngày.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người dân. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Thay vì thu tiền thu gom rác thải theo cách “cào bằng” hiện tại, người dân sẽ phải trả khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Đặc biệt, rác có khả năng tái sử dụng và rác thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình nếu phân loại đúng sẽ không phải trả phí; trường hợp phân loại không đúng quy định thì phải chi trả cho tất cả các loại rác thải phát sinh. Quy định này sẽ “đánh” thẳng vào túi tiền của chính người dân, buộc họ phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại và xả thải rác.
Hà Linh