Loạn "thổi giá" thông qua đấu giá đất, đề xuất bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, cần bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá các lô "đất ở" chỉ là người trong xã đó.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, trong những tháng đầu năm 2022, không ít tỉnh, thành phố ghi nhận tình trạng sốt đất cục bộ, đặc biệt sốt ảo diễn ra tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường. Trong đó, Hà Tĩnh, Bình Phước, Gia Lai, TP. HCM, Hà Nội và các địa phương lân cận diễn ra sốt giá bất động sản dồn dập.
Đất nền nhiều huyện nông thôn có giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ, có nơi tăng 30-50% chỉ trong một quý. Kịch bản sốt đất ở nhiều địa phương lại tái diễn khi thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” đã nhiều lần gây ra các cơn “sốt ảo” giá đất đi liền với tình trạng phân lô bán nền tràn lan tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã từng đưa tin trước đó, chiều ngày 16/3, tại phiên họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất, "nạn" tung giá ảo...
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.
Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.
Bộ trưởng cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ TNMT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.
Cũng mới đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết: “Đề xuất sửa quy định tách thửa để chặn phân lô bán nền tràn lan”. Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiến nghị sửa đổi quy định dưới Luật về tách thửa đất ở, để không xảy ra tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để phân lô bán nền tràn lan.
HoREA cho biết, các quy định tại điều 43d và điều 75a, Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã dẫn đến tình trạng các địa phương thực hiện tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có tách thửa đối với đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác không phải là đất ở, đã dẫn đến tình trạng đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp "bất lương" lợi dụng để phân lô, bán nền tràn lan, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Tình trạng phân lô bán nền tràn lan ở một số địa phương
Theo thông tin, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, từ năm 2017 đến nay, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng "đầu nậu", "cò đất", "doanh nghiệp bất lương" đã nhiều lần gây ra các cơn "sốt ảo". Giá đất đi liền với tình trạng phân lô bán nền tràn lan tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Một trong các nguyên nhân có thể bắt nguồn từ "bất cập" của một số quy định dưới Luật cho phép "tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở". Do vậy cần thiết sửa đổi một số quy định của các nghị định và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013.
Hiện nay các địa phương cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ với đất ở, hoặc là thửa đất độc lập nằm xen kẽ trong đất đô thị hoặc trong điểm dân cư nông thôn, Chủ tịch HoREA cho hay.
Mặt khác, do công tác quản lý nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa thật hiệu quả (nhất là ở cấp cơ sở) nên dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để kinh doanh bất động sản trái phép, hô biến các lô đất nông nghiệp có diện tích 500 m2 hoặc 1.000 m2 vừa vặn với diện tích của 1 lô biệt thự, nhà vườn. Điều này dẫn đến tình trạng bị đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương lợi dụng phân lô, bán nền tràn lan, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Chính vì thế, theo ý kiến của ông Châu, pháp luật về đất đai cần quy định cơ chế, điều kiện để giải quyết nhu cầu của người dân muốn được tách thửa đất đối với đất nông nghiệp nằm xen kẽ với đất ở trong cùng thửa đất, hoặc là thửa đất độc lập tại đô thị, điểm dân cư nông thôn. Việc quy định rõ để vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, vừa đảm bảo kết nối hạ tầng đồng bộ và phù hợp với quy hoạch.
Cần bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá
HoREA cũng chỉ ra, Luật Đất đai 2013 quy định đối với các trường hợp giao đất ở khác thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân.
Mặt khác, khi thực hiện quy định đấu giá công khai các lô đất ở đã xảy ra tình trạng nhiều người trúng đấu giá không phải là người dân tại xã đó mà là người từ đô thị hoặc các địa phương khác tranh mua, nhưng không có nhu cầu thực mua đất cất nhà để ở mà chỉ nhằm mục đích bán lại kiếm lời. Từ đó giới "đầu nậu", "cò đất" gây ra các cơn "sốt ảo" giá đất tại địa phương.
Vì thế, ông Châu nhấn mạnh: "Cần bổ sung quy định đối tượng tham gia đấu giá các lô đất ở phải là người trong xã. Nếu người dân trong xã không tham gia mới cho phép người ngoài xã tham gia đấu giá đất".
Nhằm ngăn chặn "sốt đất", Chủ tịch HoREA kiến nghị sửa đổi luật theo hướng giao UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định ràng buộc người tham gia đấu giá phải nộp kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng. Do đó, đây là lỗ hổng cần phải khắc phục trong thời gian tới. Cần thiết có quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng tối thiểu bằng với giá khởi điểm của tài sản được đưa ra, cùng với việc chứng minh có khả năng tài chính và khả năng thực hiện dự án nếu trúng đấu giá, phù hợp với quy hoạch tại vị trí có quyền sử dụng đất bán đấu giá.
Bùi Hằng