Loạn giá kit test Covid-19, máy SpO2: Bộ Y tế ra chỉ đạo 'nóng'
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy SpO2.... tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý.
Thị trường "loạn giá"
Trong Thông tư 02/2022/TT-BYT hướng dẫn giá xét nghiệm Covid-19 ban hành ngày 18/2, Bộ Y tế quy định với test nhanh mẫu đơn, mức thanh toán không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Trước đó, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, trước tình trạng số ca dương tính tăng đột biến tại nhiều địa phương, nhu cầu mua kit test nhanh của các hộ gia đình cũng trở nên "bùng nổ". Không khó để tìm thấy những bài đăng quảng cáo về các loại kit test, với nhiều xuất xứ được chào bán với giá khác nhau khiến người dùng hoa mắt.
Nếu như trước dịp Tết Nguyên đán, các sản phẩm kit test có mức giá "mềm" hơn, như bộ Kit Test Covid Humasis Covid-19 Ag Test của Hàn Quốc được bán giá từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng thì nay đã được bán với mức giá từ 80.000 - 130.000 đồng (tăng từ 11% đến 13%), Kit Test Covid Rapidfor - Thổ Nhĩ Kỳ có giá 65.000 đồng một bộ kit thì nay đã được bán với mức giá 85.000 đồng một kit, tăng lên 20.000 đồng so với trước đó.
Bộ Ag Home Test Kit (Hộp 25 kit) trước tết có mức giá 1,875 triệu đồng/hộp nay được bán với giá 2,375 triệu đồng/hộp (tăng hơn 10% một hộp), bộ Flowflex Test Kit (hộp 25 bộ kit) trước đó được bán với giá 1,5 triệu đồng mỗi hộp hiện đã có giá 2,2 triệu đồng/hộp (tăng gần 20% một hộp), bộ xét nghiệm nhanh nước bọt Covid-19 Antigen Rapid Test Kit (hộp 20 Test) được bán với giá 1,6 triệu đồng/hộp.
Tại các trang mạng xã hội, một bộ kit có nhiều mức giá khác nhau. Mức giá được đưa ra thường nằm trong khoảng từ 65.000 đồng đến 90.000 đồng một kit. Các hộp 5 kit có giá từ 300.000 đồng trở lên, hộp từ 20 kit có giá từ 1 triệu đồng trở lên. Các sản phẩm này đa số thường được ghi có xuất xứ từ các nước châu Âu và Hàn Quốc.
Ngoài các kit test nhanh thì máy đo nồng độ oxy SPO2 cũng được người mua săn đón nhiệt tình trên mọi mặt trận. Với tác dụng đo nồng độ oxy trong máu, đây là sản phẩm không thể thiếu trong việc theo dõi tình hình của bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà.
Dòng máy phổ biến nhất là máy Jumper trước Tết được bán với mức giá 420.000 đồng đến 900.000 đồng một máy, máy SPO2 Creative Medical cũng được bán trong khoảng từ 400.000-700.000 đồng một chiếc.
Hiện nay, tại các nhà thuốc, những chiếc máy được bán với mức giá dao động từ 550.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng một chiếc. Có thể thấy giá của các loại máy này đã tăng lên ít nhất là 100.000 đồng với các dòng máy cấp thấp, còn các dòng máy cấp cao đã tăng lên từ 300.000 đến 400.000 đồng/chiếc.
Trên các trang mạng xã hội, các dòng máy cũng có sự khác nhau về giá cả. Có những dòng được rao bán với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng, nhưng những chiếc máy này khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ đều không đưa ra được giấy tờ rõ ràng, cũng không đảm bảo được về độ chính xác khi sử dụng trong khám chữa bệnh.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, thổi giá
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ Y tế, để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, cụ thể:
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....
Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Về phía các các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 bất hợp lý.
Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Riêng tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước việc giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột biến, một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường nắm bắt thông tin theo lĩnh vực, địa bàn;
Tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị Covid-19 (gồm các bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19...).
Đồng thời, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, sử dụng; chủ động, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Hà Lan (T/h)