Lỗ hơn 1.500 tỉ, Bamboo Airways lên kế hoạch niêm yết sàn chứng khoán vào quý 4/2020
Bamboo Airways lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào quý 4/2020, đồng thời dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. |
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho biết Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt dự kiến niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào quý IV/2020. Trước đó, Bamboo Airways định niêm yết vào quý II nhưng kế hoạch không thành do tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE của Tập đoàn General Electric (Mỹ) và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỉ USD, phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng. Tuy nhiên, đại diện của General Electric từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Hiện nay Bamboo Airways đang khai thác đội bay 22 chiếc gồm 19 chiếc thân hẹp do Airbus chế tạo và 3 chiếc thân rộng Boeing 787-9, tất cả đều do hãng thuê lại. Hãng đang vận hành 45-50 chuyến bay nội địa/ngày, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 chuyến/ngày vào đầu tháng Sáu, ngang 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.
Chủ tịch Bamboo Airways cũng công bố ảnh hưởng từ dịch bệnh buộc hãng phải giảm tần suất bay, dẫn tới khoản lỗ hơn 1,5 nghìn tỉ đồng trong quý I/2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được chặn đứng tại Việt Nam, hãng đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Trong đó, dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Người đứng đầu Bamboo Airways đánh giá thị trường hàng không Việt Nam đang hồi phục nhanh bậc nhất khu vực, hầu hết hành khách sẽ cảm thấy an tâm khi di chuyển bằng máy bay trở lại, khi số lượng ca mắc Covid-19 đã được chặn đứng trong cộng đồng. Ông dự đoán du lịch nội địa sẽ tăng trưởng vì chưa có khách quốc tế vào thị trường: "Đây là kế hoạch khả thi, vì chúng tôi ghi nhận nhu cầu đi lại nội địa đang hồi phục".
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways. |
Trước đó, trong tháng 4/2020, Bamboo Airways đã bị các đơn vị như Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS)... ráo riết đòi nợ.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi Bamboo Airways của Tập đoàn FLC yêu cầu báo cáo tình hình tài chính, khắc phục công nợ lớn do Bamboo Airways đang có nợ quá hạn kéo dài tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.
Đặc biệt, hãng này đang nợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gần 205,5 tỉ đồng tính đến ngày 18/3/2020, trong đó nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng. Ngày 19/3, ACV đã gửi công văn lên Cục Hàng không Việt Nam "tố" Bamboo Airways thường thanh toán không đúng hạn và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng đã kí kết. Từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2020, Bamboo Airways thanh toán chậm trung bình 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng.
Trong số 178,7 tỉ đồng nợ quá hạn, ACV cho biết có 107,3 tỉ đồng là phí dịch vụ hành khách (PSC), soi chiếu an ninh hành khách, hành lí (PSSC) do tổng công ty này cung cấp trực tiếp cho hành khách và Bamboo Airways chỉ thu hộ cho ACV. Số tiền còn lại 71,4 tỉ đồng là dịch vụ mặt đất, dịch vụ cảng mà ACV cung cấp trực tiếp cho Bamboo Airways. Số nợ chưa đến hạn tại ngày 19/3 là hơn 25,7 tỉ đồng, tiền lãi quá hạn theo hợp đồng là hơn 4,5 tỉ đồng.
Theo phản hồi từ phía Bamboo Airways, việc chậm thanh toán phí dịch vụ thời gian qua là do có phát sinh một số vướng mắc giữa hai bên. Trong đó, chi phí một số hạng mục dịch vụ mà ACV cung cấp cho Bamboo Airways "đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi".
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng tới hoạt động hàng không, Bamboo Airways cho biế đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Mai Anh