Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Bamboo Airways báo cáo nợ 'chồng chất'
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bamboo Airways khẩn trương báo cáo tình hình công nợ và phương án giải quyết, tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh sau khi hàng loạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không "tố" hãng này chây ỳ trả nợ hàng trăm tỉ đồng.
Bamboo Airways liên tục bị các đối tác cung cấp dịch vụ hàng không "tố" chây ỳ không trả nợ đúng hạn. |
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn gửi Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của Tập đoàn FLC yêu cầu báo cáo tình hình tài chính, khắc phục công nợ lớn do Bamboo Airways đang có nợ quá hạn kéo dài tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không.
Hiện, Bamboo Airways đang có nợ lớn tại 4 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS), Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec).
Đặc biệt, hãng này đang nợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) gần 205,5 tỉ đồng tính đến ngày 18/3/2020, trong đó nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng. Ngày 19/3, ACV đã gửi công văn lên Cục Hàng không Việt Nam "tố" Bamboo Airways thường thanh toán không đúng hạn và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán theo hợp đồng đã kí kết. Từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2020, Bamboo Airways thanh toán chậm trung bình 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng.
Trong số 178,7 tỉ đồng nợ quá hạn, ACV cho biết có 107,3 tỉ đồng là phí dịch vụ hành khách (PSC), soi chiếu an ninh hành khách, hành lí (PSSC) do tổng công ty này cung cấp trực tiếp cho hành khách và Bamboo Airways chỉ thu hộ cho ACV. Số tiền còn lại 71,4 tỉ đồng là dịch vụ mặt đất, dịch vụ cảng mà ACV cung cấp trực tiếp cho Bamboo Airways. Số nợ chưa đến hạn tại ngày 19/3 là hơn 25,7 tỉ đồng, tiền lãi quá hạn theo hợp đồng là hơn 4,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, gần 1 năm qua, ACV đã gửi tới 24 văn bản yêu cầu Bamboo Airways thanh toán các khoản nợ quá hạn nhưng công ty này vẫn chây ì, chưa thanh toán đầy đủ.
Trước sự vi phạm nghĩa vụ thanh toán và số nợ quá hạn hàng trăm tỉ đồng của Bamboo Airways khó đòi, khiến ACV phải "cầu cứu" lên Bộ GTVT. Ngày 1/4/2020, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 3096/BGTVT-VT về việc nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của Tổng Công ty ACV đối với việc vi phạm hợp đồng của Bamboo Airways.
Tương tự, 4 công ty dịch vụ mặt đất, nhiên liệu, quản lý bay cũng liên tiếp gửi công văn lên Cục Hàng không Việt Nam để gây sức ép đòi nợ đối với Bamboo Airways.
Căn cứ vào các văn bản trên, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bamboo Airways khẩn trương báo cáo: Tình hình công nợ và phương án giải quyết; Tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh; Các kiến nghị và đề xuất (nếu có).
Theo phản hồi từ phía Bamboo Airways, việc chậm thanh toán phí dịch vụ thời gian qua là do có phát sinh một số vướng mắc giữa hai bên. Trong đó, chi phí một số hạng mục dịch vụ mà ACV cung cấp cho Bamboo Airways "đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung, cá biệt một số khoản cao hơn gấp rưỡi đến gấp đôi".
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng tới hoạt động hàng không, Bamboo Airways cho biế đang tích cực điều chỉnh phương án kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới, đồng thời đàm phán với ACV để tiến tới sự đồng thuận, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn.
Mặc dù liên tục bị tố chây ì trả nợ các dịch vụ sân bay, nhưng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways vẫn khẳng định kế hoạch mở rộng thị phần với mục tiêu đưa Bamboo Airways giành 30% thị phần hàng không Việt Nam trong năm 2020. Hãng sẽ nâng đội tàu bay từ 22 chiếc hiện nay lên tối thiểu 40 chiếc vào cuối năm.
Hải Nam