Chủ nhật, 05/05/2024 07:13 (GMT+7)
Thứ ba, 20/06/2023 07:00 (GMT+7)

“Liều” viết và viết “liều”

Theo dõi KTMT trên

Tôi luôn cho rằng, viết báo không dễ và dấn thân vào nghề báo cũng là quyết định dũng cảm của nhiều người.

Tính đến ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng 6 năm 2023, tôi đã có 3 năm gắn bó với Tạp chí Kinh tế Môi trường (KTMT) và hiện nay là Ủy viên Hội đồng Biên tập tạp chí. Tôi cũng đã có khoảng 40 bài viết đăng trên bản in (cả số định kỳ và chuyên san khoa học), bản điện tử của tạp chí. Bạn bè, anh chị em trong tạp chí cũng vui vì tôi đã nhanh chóng hòa nhập, đã cùng chung tay viết về một số chuyên đề do tạp chí định hướng. 

Có người “tò mò” hỏi tôi trước đấy đã có bài viết được đăng chưa và có tìm hiểu gì nhiều về cách viết các bài báo không. Ngẫm lại tôi thấy, mình rất ngưỡng mộ những người làm báo vì đã cho xã hội những bài viết có nhiều thông tin bổ ích ở nhiều lĩnh vực như văn học nghệ thuật, khoa học, thời sự,… và thực sự, chúng đã trở thành món ăn tinh thần của rất nhiều người. Bản thân tôi trước đây cũng đã có một vài bài viết theo đơn đặt hàng hoặc thấy cần thiết nêu ý kiến của mình. Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng viết báo không dễ, dấn thân vào nghề báo cũng là quyết định dũng cảm của nhiều người và những nhà báo, người viết báo thành công cũng đã trải qua nhiều thách thức, vượt qua nhiều khó khăn rất đáng được ghi nhận. 

Thời gian này đang có nhiều bài viết liên quan đến kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam, về Luật Báo chí 2016 nên tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan đến “nghề báo”. Tôi nhận thấy một điều cần làm rõ là viết bài báo có cần sự tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc và đôi khi có cần cả sự dũng cảm hay dân gian gọi là “liều” không. Đặc biệt khi tiếp cận những vấn đề gai góc, khi vạch trần những góc khuất nhạy cảm liên quan tới những vi phạm pháp luật mà vấn đề tham nhũng hiện nay đang được quan tâm, Tôi sẽ không đi sâu tổng kết (do không thể thực hiện) mà dưới đây, chỉ nêu một số cảm nhận, suy ngẫm riêng của mình về vấn đề này thôi.

“Liều” viết

Tôi dùng chữ “liều” ở đây theo nhiều nghĩa trong đó có ý về dám viết về những vấn đề gai góc, vấn đề còn nhiều tranh cãi và cũng rất có thể phần viết của mình chưa thật tốt. Thật ra, thời kỳ trước cách mạng và trong vùng do kẻ thù kiểm soát, những nhà cách mạng Việt Nam đã dám đương đầu với nhiều thử thách để có thể viết những bài lên án chế độ thực dân phong kiến đang đè nén, áp bức dân ta, Thậm chí, những người cách mạng hiểu rõ những gì có thể phải chịu đựng khi dấn thân vào cuộc đấu tranh giành độc lập và họ đã biết dành những bài viết để giãi bày như trong bài thơ Trăng trối của Tố Hữu viết năm 1940 ở nhà tù Lao Bảo:

Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

“Liều” viết và viết “liều” - Ảnh 1
“Liều” viết là điều tôi luôn suy nghĩ, tìm cách nào đó để có bài viết nêu, phân tích, góp phần làm rõ hơn những gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta.

Đã có những nhà báo cách mạng đã phải chịu đựng cuộc sống chốn lao tù chỉ vì một bài viết đả kích chế độ tàn bạo của bọn thực dân phong kiến. Không những thế, tác dụng của bài viết của những tác giả cách mạng cũng được đánh giá rất cao nếu dám phơi bày những thái độ thờ ơ với thời cuộc và dám dấn thân để: “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền” như nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng bí thư Trường Chinh) đã viết trong bài Là Thi sĩ năm 1942.

Hiện nay, trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta cần những bài báo dám nói về vấn nạn này, không chỉ đưa tin mà phải dám phân tích những nguyên nhân dẫn đến những người có quyền lực rất lớn vẫn vi phạm vì lợi ích riêng của mình, của nhóm lợi ích, của gia đình, họ hàng nhà mình.

Riêng tôi, khoảng năm 1981-1982 tôi rất suy nghĩ về sự thiếu thốn lương thực trong khi Chính phủ lúc bấy giờ đưa ra chỉ tiêu sản xuất 21 triệu tấn lương thực quy thóc một năm nhưng không đạt được, dân vẫn đói. Và rồi, một ý nghĩ “điên rồ” nảy ra trong đầu, thôi thúc tôi viết một bài ngắn với nội dung đấu thầu chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để chọn được người giỏi, đủ sức lãnh đạo thực hiện được chỉ tiêu Nhà nước đặt ra. Tôi đã gửi bài viết vào hòm thư Báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống Hà Nội và may (hay không may) cho tôi là bài viết không được đăng tải. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh và thỉnh thoảng còn tự vấn mình tại sao lại làm như vậy.

Viết “liều”

Chữ “liều” ở đây tôi xin dùng với nghĩa là viết ẩu, viết không đúng sự thật, viết theo ý đồ xấu, viết để thu lợi ích cá nhân bất chấp nội dung độc hại với xã hội,... Nghĩa là, bài viết với nội dung có thể gây hại không chỉ cho chế độ hiện hành mà cả cho cộng đồng, vi phạm quy định trong Điều 9 Luật Báo chí 2016.

Rất may, các cơ quan báo chí được cấp phép của chúng ta đều có Hội đồng biên tập. Ban Biên tập có đủ năng lực để xem xét, rà soát  lại những nội dung trước khi cho đăng nhưng những người viết báo vẫn cần tự mình rèn luyện để không mắc sai lầm, không viết liều những bài gây hại cho xã hội. Ngay trong Tạp chí Kinh tế Môi trường của chúng tôi, ngày đầu tuần đều có sinh hoạt, gặp gỡ giữa Ban Biên tập và các phóng viên, các cán bộ để phổ biến những quy định, chỉ đạo mới của lãnh đạo báo chí cấp trên, thông báo những sai phạm mà các đơn vị bạn mắc phải để tránh và đặc biệt là kiểm điểm lại những bài viết đã được đăng. Vì vậy, nội dung, chất lượng các bài viết trên các loại phương tiện  của Tạp chí KTMT đã được nâng cao và được đánh giá cao.

Đôi điều suy ngẫm

Những nội dung trình bày ở trên xuất phát từ một người được coi là mới chân ướt, chân ráo vào công việc viết bài để đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó thật sự là những suy ngẫm và có phần trăn trở để có thể nâng cao được chất lượng bài viết trong thời gian tới.

“Liều” viết là điều tôi luôn suy nghĩ, tìm cách nào đó để có bài viết nêu, phân tích, góp phần làm rõ hơn những gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta. Quả là nhiều vấn đề có phần nổi cộm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra phải được các tổ chức báo chí tập trung làm rõ như vấn để tham nhũng, vấn đề suy thoái, suy giảm lý tưởng cách mạng, tự chuyển hóa tự diễn biến (theo hường tiêu cực) của một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp. Hay vấn đề về cải tiến cách tính thu nhập cán bộ để trả đúng trả đủ kết quả lao động của cán bộ, vấn đề phát hiện, thu hút người tài phục vụ quá trình phát triển đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường,…

Tất nhiên viết “liều” sẽ là điều mà người viết luôn phải tự xem xét để không tạo ra tác phẩm độc hại, vi phạm pháp luật. Với tôi, đây sẽ là điều cấm kỵ.

Ngoài bài báo khoa học đã viết, đăng trước đây thì thời gian (3 năm) làm quen và viết được một số bài mang tính kinh tế-xã hội đăng trên một số báo, tạp chí là chưa đủ dài để tích lũy được kinh nghiệm mang tính nghề nghiệp nhưng được sự giúp đỡ của tập thể Tạp chí KTMT tôi thấy được khích lệ để tiếp tục công việc viết bài trong thời gian tới. 

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết “Liều” viết và viết “liều”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới