Thứ hai, 25/11/2024 01:12 (GMT+7)
Thứ hai, 21/06/2021 13:00 (GMT+7)

Chọn nghề báo – chọn đam mê

Theo dõi KTMT trên

Lòng yêu nghề, đam mê cống hiến, làm đẹp cho đời chính là động lực để các phóng viên, nhà báo bám trụ với nghề vốn được xã hội coi trọng nhưng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Gặp lại bạn bè sau gần chục năm tốt nghiệp THPT, rất nhiều người hỏi vì sao hiện tại tôi làm báo, nghề mà suốt thời học sinh tôi chưa từng nhắc đến. Và rõ ràng sau khi tốt nghiệp, tôi đã chọn theo học trường cao đẳng sư phạm ngay gần nhà.

Nhưng thay vì trở thành một giáo viên dạy Anh ngữ hoặc hướng dẫn viên du lịch tại Sa Pa (một huyện nổi tiếng về du lịch của tỉnh Lào Cai), tôi xin bảo lưu kết quả, về Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Thủ đô Hà Nội nhập học, nơi mà tôi chưa một lần đặt chân đến và cũng là nơi phồn hoa đô thị, đắt đỏ, xa hoa trong ý niệm của người dân quê tôi – vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn.

Tôi không chia sẻ rằng để có quyết định ấy, ở tuổi đôi mươi tôi cũng mất vài đêm thức trắng, suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc cả cuộc đời mình sẽ gắn bó với nghề gì? Có thể tính hiếu thắng của tuổi trẻ, mong muốn được làm những gì mình yêu thích đã khiến tôi thật liều lĩnh, dám bỏ ngang để bắt đầu lại từ đầu, chỉ để được viết, được kể và được đi thật nhiều nơi trên dải đất hình chữ S yêu thương. Thay vào đó, tôi trả lời nhanh, ngắn gọn và rất phổ biến: “Chắc nghề chọn người”!

Chọn nghề báo – chọn đam mê - Ảnh 1
Phóng viên Vương Liễu (Tạp chí Kinh tế Môi trường) tác nghiệp tại một sự kiện. 

Đại diện cho công luận, vất vả và đầy trách nhiệm

Hàng ngày các cơ quan báo chí cung cấp cho bạn đọc một khối lượng thông tin khổng lồ, và để có được những nguồn tin nhanh nhạy đó, đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên phải tập trung cả về thể lực và trí tuệ, lao động sáng tạo, vất vả bất kể ngày đêm. Cũng chính bởi vậy mà mỗi khi đưa ra thông báo tuyển dụng, các cơ quan báo chí vẫn luôn ưu tiên các ứng viên chịu được áp lực công việc cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào, yêu thích và thật sự muốn gắn bó, tâm huyết, trưởng thành với nghề báo.

Còn nhớ khi mới vào nghề, phụ trách bản tin truyền hình của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, cá nhân tôi ngoài thời gian làm việc ban ngày tại cơ quan, nhiều đêm gần như thức trắng để dựng hoàn thiện bản tin. Trong điều kiện nhân lực, vật lực còn nhiều hạn chế, đảm nhiệm từ vai trò người dẫn chương trình, lên kịch bản, kỹ thuật dựng phim và trực tiếp sản xuất các tin bài video, đó thực sự là quãng thời gian áp lực nhưng đáng nhớ và giá trị, công việc đó cho tôi cơ hội được học hỏi, hoàn thiện kỹ năng và tôi luyện khả năng chịu áp lực công việc.

Chọn nghề báo – chọn đam mê - Ảnh 2
Đội ngũ phóng viên báo chí sẵn sàng đưa tin mọi lúc, mọi nơi.

Theo guồng quay của tin tức, trách nhiệm xã hội và lòng say mê nghề nghiệp luôn gắn bó với nhau trong suốt cuộc đời làm báo. Cứ như vậy, mỗi bài báo ra đời đều nói lên mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, đại diện cho công luận, phơi bày thực trạng và tìm ra hướng giải quyết vấn đề, giúp xã hội ngày càng phát triển, văn minh hơn, hiện đại hơn.

Trong hành trình của nghề báo, đội ngũ người làm báo gặp phải vô vàn khó khăn, vất vả. Thậm chí là những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Nhiều năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ trở nên hung dữ hơn gấp nhiều lần, và thực tế đã có nhiều người làm báo thiệt mạng trong lúc tác nghiệp, để lại những ước mơ, hoài bão dang dở cùng với niềm tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và gia đình.

Ở một mảng đặc thù khác, các nhà báo, phóng viên điều tra liên tục phải đối mặt với hiểm nguy khi nhập vai điều tra, làm rõ sự thật, đấu tranh chống tội phạm, chống các hành vi vi phạm pháp luật. Hay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng phóng viên, nhà báo luôn ở tuyến đầu phòng, chống dịch cùng với các lực lượng khác. Có thể nói, không có nơi nguy hiểm nào không có mặt phóng viên. Họ lao vào các điểm nóng dịch bệnh để làm công việc của người đưa tin, hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế và chính quyền các địa phương dập dịch hiệu quả.

Cùng với những thách thức đến từ điều kiện tác nghiệp, áp lực công việc, đội ngũ làm nghề báo cũng phải đứng trước nhiều cám dỗ, đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, am hiểu về pháp luật và coi trọng đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể giải quyết mọi tình huống theo đúng quy định của pháp luật.

Khó khăn, gian nan là vậy, nhưng những người làm báo luôn đề cao trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Việc này thể hiện ở sự tuân thủ quy trình tác nghiệp, tìm hiểu, xác minh và đưa thông tin trung thực, khách quan, đa chiều. Có tính đến lợi ích chung của cộng đồng, an sinh xã hội, nghiêm trọng hơn là có hay không việc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, tác phong nghiêm túc, chuyên nghiệp, sáng tạo trong cách diễn đạt, truyền tải thông tin… là không thể thiếu để theo kịp sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ về mặt nhận thức.

Tựu chung lại, để có thể gắn bó với nghề, tôi và nhiều đồng nghiệp phải công nhận rằng, chỉ có đam mê thật sự mới khiến con người ta nghiêm túc, miệt mài, dấn thân làm báo, sống được và gặt hái thành công từ nghề.

Không ngừng học hỏi, kiên trì theo đuổi đến cùng

Nghề báo đã cho tôi cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với những con người tuyệt vời, từ người nông dân chân chất, thật thà, quanh năm sản xuất lương thực, thực phẩm, hay những công nhân vệ sinh môi trường cần mẫn gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp cho đến những vị chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nhân, chính khách, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo bộ ngành, hay người đứng đầu Đảng, Nhà nước… Và với cảm nhận của riêng tôi, đó là những cơ hội quý giá, thể hiện lợi thế của người làm báo. Bên cạnh đó, mỗi ngày, công việc này đều đem đến cho tôi những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.

Chọn nghề báo – chọn đam mê - Ảnh 3

Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường phỏng vấn TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT.

Để có được thông tin chính xác, trung thực thì không còn cách nào khác là mỗi người làm báo phải tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, công tâm, kiên trì theo đuổi sự việc đến cùng, kiểm tra một cách cẩn thận các nguồn thông tin chính thống để tìm ra sự thật. Bởi lẽ, chỉ khi đưa ra được hướng giải quyết vấn đề, báo chí mới hoàn thành vai trò của mình trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.Tuy nhiên, nghề báo cũng có tính “đào thải” rất mạnh mẽ. Nghề báo không có chỗ cho người có tính cẩu thả, không cầu thị và thiếu sự nghiêm túc. Từng câu chữ thể hiện trình độ văn hóa, am hiểu của cá nhân tác giả, tuy nhiên đó là cũng thương hiệu, là “bộ mặt” của cơ quan báo chí, là uy tín trước cả chục triệu độc giả. Nếu như khâu biên tập, xuất bản có sai sót, hệ lụy để lại vô cùng lớn, nhất là khi tốc độ lan truyền thông tin chưa bao giờ thuận lợi và nhanh chóng như hiện nay. Không chỉ những lỗi diễn đạt cơ bản, nội dung của một bài báo nếu thiếu sự kiểm chứng sẽ là tổn thất khó lòng cứu vãn, nghiêm trọng hơn có thể “xóa sổ” cả một cơ quan báo chí, một cá nhân, một doanh nghiệp hay cả một lĩnh vực đang phát triển trong xã hội. Chính bởi vậy mà sự cẩn thận chắc chắn là một trong những yêu cầu mang tính quan trọng hàng đầu. Kèm theo đó là yêu cầu về chất lượng thông tin.

Dấu ấn loạt bài Công trình xanh trên Kinh tế Môi trường

Thời gian công tác tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, một trong những nội dung mà tôi và đồng nghiệp tâm đắc chính là tuyến bài phản ánh hiện trạng phát triển công trình xanh tại Việt Nam được thực hiện vào cuối năm 2020. Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho biết trên thực tế có không ít chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm, lừa dối khách hàng nhằm “tư lợi” cá nhân, đẩy nhanh việc bán hàng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bất động sản.

Sau khi khởi đăng tuyến bài, Tạp chí đã có Công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá, chứng nhận công trình xanh, phát huy vai trò quản lý của Bộ, giúp minh bạch hóa thị trường, tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các chủ đầu tư và cung cấp, trang bị đầy đủ thông tin cho khách hàng, người mua nhà. Đồng thời, Tạp chí Kinh tế Môi trường kiến nghị Bộ Xây dựng cần thiết có bộ chứng chỉ công trình xanh riêng để áp dụng cho thị trường trong nước.

Sau loạt bài phản ánh về công trình xanh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ Xây dựng đã công bố danh sách các công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận ý kiến của Tạp chí, từ đó nghiên cứu, sửa đổi các văn bản liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Và trước những phản ánh mạnh mẽ của báo chí, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10509/VPCP-CN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý phản ánh của báo chí về việc cần có bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá và cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh.

Như vậy, với đóng góp của Tạp chí Kinh tế Môi trường và một số cơ quan báo chí khác, trong thời gian sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá và cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những minh chứng về đóng góp của báo chí nói chung, đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với nhiều nỗ lực đổi mới về công tác nhân sự, kiện toàn bộ máy, nâng cấp giao diện, chú trọng nội dung thông tin…, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục phát triển bền vững, cùng các lực lượng tuyến đầu chiến thắng đại dịch, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nền báo chí nước nhà.

Nhà báo Vương Liễu: Với tôi, nghề báo luôn cao quý và đáng trân trọng, tôi tìm ra giá trị của mình trong guồng quay của tin tức, trong hành trình đi tìm sự thật, lan tỏa đến cộng đồng những giá trị tốt đẹp. 

Chọn nghề báo – chọn đam mê - Ảnh 4

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Chọn nghề báo – chọn đam mê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới