Thứ bảy, 23/11/2024 04:16 (GMT+7)
Thứ tư, 08/09/2021 13:00 (GMT+7)

Lao đao vì dịch bệnh, 50% doanh nghiệp ngành gỗ có nguy cơ phá sản

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, có hơn 50% doanh nghiệp phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất, kéo theo kim ngạch xuất khẩu gỗ liên tục giảm mạnh.

Trước tình hình sản xuất gặp khó khăn, đình trệ, nhiều nhà máy phải đóng cửa, ngừng sản xuất, xuất khẩu sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây do dịch Covid-19. 

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 7 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt con số kỉ lục, cao nhất từ trước đến nay với tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, xuất khẩu gỗ lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh, do những tác động của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, lưu thông và nguồn lao động bị ảnh hưởng.

Lao đao vì dịch bệnh, 50% doanh nghiệp ngành gỗ có nguy cơ phá sản - Ảnh 1
Doanh nghiệp ngành gỗ chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Ước tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 949 triệu USD, giảm 34,5% so với tháng 7/2021 và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,2 tỉ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỉ USD, tăng 41,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỉ USD, tăng 54,2%.

Xét về thị trường, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này 8 tháng năm 2021 đạt trên 6,7 tỉ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường Nhật Bản đạt 953,1 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Chủ tịch Viforest - ông Đỗ Xuân Lập cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác với số lượng tăng rất cao so với năm trước, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, có hơn 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất.

Do vậy, trị giá xuất khẩu đồ gỗ trong tháng 8 vừa qua suy giảm mạnh. Ông Lập cảnh báo: “Nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua”.

Theo ông Lập, các doanh nghiệp dừng sản xuất đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng… Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3 - 1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác; nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại của doanh nghiệp, và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.

Đối với vấn đề tiêm vaccine cho lao động ngành gỗ, ông Lập phản ánh tỉ lệ rất thấp, đến cuối tháng 8/2021 ước mới đạt khoảng từ 15 - 20%. 

Để duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung và mất các đơn hàng, Viforest đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang rất khó khăn hiện nay. 

Trước những phản ánh về khó khăn cũng như đề xuất của các hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay, các thị trường có nhu cầu rất lớn đối với đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp cần giữ các thị trường truyền thống, đảm bảo đơn hàng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau. 

"Trong những khó khăn thách thức hiện nay, cũng thấy các cơ hội trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch bệnh để phát triển", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lao đao vì dịch bệnh, 50% doanh nghiệp ngành gỗ có nguy cơ phá sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới