Lạng Sơn: Xây dựng xu hướng đô thị xanh, bền vững
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có tổng số 15 đô thị, trong đó: 01 thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II, 01 đô thị loại IV và 13 thị trấn thuộc huyện (đô thị loại V được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận năm 2022).
Nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh, công tác quy hoạch hệ thống các đô thị trên địa bàn… đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững.
Kết quả thực hiện từ đầu năm 2021 đến tháng 3/2023 của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, công tác Quy hoạch – Kiến trúc cơ bản đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Trong đó, Sở Xây dựng Lạng Sơn đã tham mưu trình UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành phê duyệt 86 Quyết định về Nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch; tham gia ý kiến thống nhất nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chung xây dựng nông thôn các xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030; quy hoạch chi tiết các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện theo quy định.
Đồng thời, Sở tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đánh giá chung, các đồ án quy hoạch chất lượng ngày được nâng cao, đã hạn chế được việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhiều lần. Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch các chỉ tiêu về cây xanh đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Công tác đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị đã được thực hiện và đã đạt được kết quả nhất định.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có tổng số 15 đô thị, trong đó: 01 thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II, 01 đô thị loại IV và 13 thị trấn thuộc huyện (đô thị loại V được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận năm 2022).
Quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn đó là đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh; đầu tư phát triển thành phố Lạng Sơn là hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế vùng.
Cùng đó, UBND các huyện, thành phố đang thực hiện công tác quản lý, duy trì, chăm sóc cây xanh tại các đô thị; công tác lập hồ sơ quản lý cây xanh được quản lý thông qua hình thức duy trì, trồng và chăm sóc cây xanh bóng mát hàng năm theo hợp đồng ký kết giữa phòng và đơn vị được giao nhiệm quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị.
Việc quản lý đang áp dụng hình thức công bố số điện thoại của công chức, cơ quan, mạng xã hội, hệ thống điều hành đô thị thông minh IOC, hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (app công dân Xứ Lạng và công chức Xứ Lạng) để người dân, tổ chức khi phát hiện các hành vi xâm hại đến sự phát triển của cây xanh thông báo cho cơ quan quản lý để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý cây xanh đô thị…
Để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn và các đô thị trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đó, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn xây dựng và phát triển đô thị trong lĩnh vực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; thí điểm xây dựng đô thị thành phố Lạng Sơn theo hướng tăng trưởng xanh. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện thí điểm và đẩy mạnh thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh đối với các đô thị loại IV, V trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo ông Nguyễn Duy Đông – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học – công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.
PV