Thứ năm, 25/04/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ bảy, 16/04/2022 09:00 (GMT+7)

Lạng Sơn: Nghịch lý chưa cho thuê đất đã xây dựng công trình xử lí môi trường

Theo dõi KTMT trên

Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV (thuộc Tổng Công ty Điện lực – TKV) thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đất, cho thuê đất, song vẫn cố tình xây dựng hệ thống xử lý môi trường trên diện tích 13 ha.

Lạ lùng “tiền trảm hậu tấu”!

Nhằm mục tiêu xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của từng nhà máy nhiệt điện, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 452/QĐ-TTg của về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các Nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Thế nhưng, trên thực tiễn một số nhà máy nhiệt điện chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ cũng như chưa tuân thủ pháp luật về đất đai, xây dựng.

Đáng kể đến là Dự án đầu tư xây dựng Bãi thải tro xỉ của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV tại xã Sàn Viên và thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bỉnh, tỉnh Lạng Sơn. Trong giai đoạn 2013 – 2015, Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV  đã xây dựng các bờ chắn xỉ và hệ thống xử lý môi trường.

Lạng Sơn: Nghịch lý chưa cho thuê đất đã xây dựng công trình xử lí môi trường - Ảnh 1

Công trình xử lý môi trường của Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV xây dựng trên phần đất chưa được cho thuê từ giai đoạn 2013-2015.  (Ảnh chụp đầu tháng 4/2022)

Công trình gồm bờ chắn, lắng xỉ số 1, dài 100 m, rộng 300 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 2 dài 150 m, rộng 200 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 3 dài 100 m, rộng 250 m, diện tích 25.000 m2; trạm và hồ xử lý nước dài 150 m, rộng 300 m, diện tích 45.000m2. Tổng diện tích là 130.000 m2 (13ha).

Tuy nhiên, nghịch lý là, các công trình này được Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV xây dựng, đưa vào sử dụng trên diện tích đất chưa hề được cơ quan chức năng tiến hành giao đất hoặc cho thuê đất.

Đến tháng 3/2022, Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV mới có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê diện tích đất 13ha vốn đã được Công ty tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng các bờ chắn xỉ và hệ thống xử lý môi trường từ giai đoạn 2013 – 2015!?.

Lạng Sơn: Nghịch lý chưa cho thuê đất đã xây dựng công trình xử lí môi trường - Ảnh 2
Công văn 623/NĐND-KHĐTVT của Công ty Nhiệt điện Na Dương gửi tỉnh Lạng Sơn xin thuê đất làm hệ thống xử lý môi trường trong khi các công trình này đã làm từ gần cả chục năm trước!.

Cụ thể, ngày 15/3/2022, ông Phạm Đức Tuyên, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV đã có Công văn số 623/NĐND -KHĐTVT  (CV623) gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lạng Sơn về việc xin thuê đất làm hệ thống xử lý môi trường. Theo đó, Công ty Nhiệt điện Na Dương đề nghị tỉnh cho công ty thuê 13 ha sử dụng vào mục đích làm hệ thống xử lý môi trường.

Tại CV 623, Công ty Nhiệt điện Na Dương báo cáo: Ngày 28/5/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn ra quyết định 776/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch đổ thải, thoát nước có tỷ lệ 1/2.000 bãi thải xỉ nhà máy Nhiệt điện Na Dương – TKV. Tiếp theo, ngày 19/6/2013, Công ty Điện lực – Vinacomin có Quyết định số 834/QĐ-QĐ-ĐLTKV về việc phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu dự án bãi thải tro xỉ Công ty Nhiệt diện Na Dương giai đoạn 2013 – 2015.

Trên thực tế, UBND huyện Lộc Bình giao các cơ quan chuyên môn đo đạc đất đai, kiểm đếm cây cối hoa màu. Từ năm 2012 đến nay, UBND huyện Lộc Bình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và chi trả hơn 20 tỷ cho 42 hộ gia đình và 1 tổ chức , với tổng diện tích 57,79 ha.

Sau khi giải phóng mặt bằng, ngày 02/6/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định số 1012/QĐ-UBND về việc cho Công ty Nhiệt điện Na Dương -TKV thuê 9,64 ha vào mục đích bãi tro xỉ nhà máy. Hiện tại, Công ty đang đổ thải trong diện tích được cho thuê.

Riêng phần diện tích hệ thống xử lý môi trường 13 ha mà đã Công ty đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì vẫn chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất.

Cần xử lý nghiêm

Nói về việc Công ty Nhiệt điện Na Dương xây dựng công trình khi chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, một cán bộ Công ty Nhiệt điện Na Dương (xin giấu tên) thừa nhận, về nguyên tắc phải hoàn thiện thủ tục thuê đất thì mới được đầu tư xây dựng công trình. Nhưng do văn bản chuyển đi chuyển lại mà không nhận được câu trả lời; để sản xuất kinh doanh không ảnh hưởng xấu tới môi trường nên Công ty đã tiến hành xây dựng luôn.

Giải thích về việc chưa được giao đất, vị cán bộ này cho biết, hiện Công ty đã làm thủ tục cho thuê đất để xây dựng công trình. Tuy nhiên, lại gặp vướng mắc ngay tại Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các Nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Lạng Sơn: Nghịch lý chưa cho thuê đất đã xây dựng công trình xử lí môi trường - Ảnh 3
Đống tro xỉ chất cao như núi của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. (Ảnh chụp đầu tháng 4/2022)

Cụ thể, Quyết định 452/QĐ-TTg yêu cầu, đến năm 2020, diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình. Căn cứ vào quy đinh này, tỉnh Lạng Sơn chỉ cho Công ty Nhiệt điện Na Dương thuê phần diện tích 9,64 ha vào mục đích bãi tro xỉ nhà máy (tại Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn).

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như qua rà soát diện tích đổ thải của Công ty Nhiệt điện Na Dương chỉ được duyệt khoảng gần 10 ha. Đối với diện tích Công ty muốn thuê thêm (13 ha) thì phải có căn cứ, nếu không có căn cứ thì không thể cho thuê được (Đó là chưa nói, diện tích chưa được cho thuê này đã bị Công ty Nhiệt điện Na Dương tiến hành giải phóng mặt bằng, xây công trình xử lý môi trường và đã đưa vào hoạt động - Pv). Vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra và thông tin lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ liên quan đến vấn đề đất đai, việc xây dựng công trình khi chưa được nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất còn có những dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Vậy đối với công trình cụ thể tại Công ty Nhiệt điện Na Dương việc xây dựng này có vi phạm hay không? Nếu có sẽ bị xử lý như thế nào?

Tạp chí Kinh tế và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc.

Theo ông Nguyễn Gia Hải, Văn phòng Luật sư Thái Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật có thể bị phạt lên tới 70 triệu đồng và có thể buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nếu nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các căn cứ pháp lý để xử phạt đối với hành vi này là:

- Căn cứ theo điểm d, khoản 2, Điều 3 - Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định để giải thích về hành chiếm đất như sau: Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật

- Điểm d, khoản 1, Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về  trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.

- Điểm a, khoản 7, Điều 14, Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

Ngoài ra, Điều 228 – Bộ luật Hình sự “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” có quy định:

  1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  3. a) Có tổ chức;
  4. b) Phạm tội 02 lần trở lên;
  5. c) Tái phạm nguy hiểm.
  6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tùng Nguyễn - Giải Trãi

Bạn đang đọc bài viết Lạng Sơn: Nghịch lý chưa cho thuê đất đã xây dựng công trình xử lí môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.