Lãng phí là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững
Ngày 23/12, tại Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra hội thảo "Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới".
Hội thảo do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp tổ chức cùng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội. Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh đây là chủ đề nghiên cứu rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Tình trạng lãng phí trong khai thác tài nguyên, đầu tư công, quản lý tài sản công và thực thi chính sách vẫn đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và trách nhiệm giải trình.
Hội thảo cũng đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể trong phòng, chống lãng phí như quản lý cán bộ, kinh tế, tài nguyên môi trường và đầu tư phát triển, nhằm kiến nghị các chính sách thiết thực góp phần hoàn thiện thể chế và thúc đẩy phát triển bền vững.
Lãng phí là lực cản sự phát triển của đất nước
Báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội nhấn mạnh: Phòng chống lãng phí được coi là một trong những nội dung, yêu cầu quan trọng để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lãng phí là lực cản sự phát triển của đất nước. Lãng phí trên cả nước trong lĩnh vực này khó đo lường cụ thể.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn nhiều, gây lãng phí lớn. Tất cả các hệ lụy trên sẽ dẫn đến lãng phí cơ hội phát triển của đất nước, của từng địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia pháp luật Đinh Dũng Sỹ chỉ rõ, lãng phí thể hiện ở 5 nguồn lực: Tài nguyên (điển hình nhất là đất đai và các loại tài nguyên khoáng sản); nguồn lực tài chính (gồm đầu tư công và chi thường xuyên); lãng phí tài sản công, trụ sở công; lãng phí nguồn lực con người, trong đào tạo; lãng phí nguồn lực thời gian. TS. Đinh Dũng Sỹ phân tích, một trong những lãng phí lớn nhất trong bối cảnh hiện nay là lãng phí nguồn lực tài nguyên, đất đai; thể hiện qua các dự án treo, quy hoạch treo.
Các giải pháp phòng, chống lãng phí
Bàn về giải pháp chống lãng phí, GS.TS Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội cho biết: Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tăng cường công tác phòng chống lãng phí tiêu cực, gắn với tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời chỉ rõ các giải pháp cần thiết để phòng chống lãng phí.
Trước hết cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Cùng với đó rà soát sửa đổi bổ sung, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế phòng chống lãng phí; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công… Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xử lý dứt điểm các vụ án hình sự về tham nhũng, lãng phí. Đồng thời có các hình thức biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có giải pháp làm lợi cho Nhà nước.
GS.TS Phan Trung Lý cũng chỉ rõ cần tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Theo đó, trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.
Bên cạnh đó phải cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Hiện nay, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày” thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Chia sẻ giải pháp chống lãng phí, TS. Đinh Dũng Sỹ chỉ rõ về mặt pháp lý, cần rà soát, xem xét sửa đổi tổng thể Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa, tiêu chuẩn hóa vấn đề tiết kiệm chống lãng phí ở các luật chuyên ngành. Cùng với đó các bộ ngành cần rà soát, ban hành lại các định mức kinh tế kỹ thuật mới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Liên quan đến giải pháp tổ chức, TS. Đinh Dũng Sỹ nhấn mạnh vấn đề ý thức con người, thực thi quy định pháp luật, xử phạt nghiêm minh.
Sông Hồng