Làm thế nào để phân biệt ung thư amidan và viêm amidan?
Đau họng, khó nuốt và nuốt đau đều là những biểu hiện ban đầu của ung thư amidan, viêm amidan và tình trạng đau họng thông thường. Nhưng nếu bạn để ý và theo dõi một cách cẩn thận thì sẽ nhận ra rằng viêm amidan và ung thư amidan có nhiều biểu hiện khác nhau.
Ung thư amidan là bệnh do tế bào ác tính sinh ra ở các nhu mô amidan. Trong khi đó, viêm amidan lại do nhu mô amidan bị viêm nhiễm hình thành. Đối với trường hợp viêm amidan cấp tính, bệnh nhân thường có những biểu hiện như sốt, đau họng một bên hoặc cả hai bên, cảm giác khó nuốt và gặp khó khăn trong việc thở. Trường hợp bệnh nhân bị viêm amidan mãn tính, người bệnh sẽ khạc ra những hạt bã đậu giống hạt cơm tấm hoặc cơm nát và có mùi hôi rất khó chịu. Những nốt hạch ở cổ sẽ sưng to dần lên, gây đau buốt, sau đó sẽ xẹp xuống và biến mất sau khi bệnh nhân uống thuốc.
Ngược lại, những bệnh nhân ung thư amidan sẽ không có biểu hiện sốt hoặc ít sốt, thay vào đó người bệnh sẽ chỉ có cảm giác vướng ở cổ mỗi khi nuốt, cổ xuất hiện hạch nhưng bệnh nhân lại không có cảm giác đau, hạch cũng không sưng lên. Nếu bệnh nhân phát hiện và bắt đầu dùng thuốc, hạch sẽ không mất đi, thậm chí ngày càng cứng và to ra.
Nếu được phát hiện và chữa trị sớm, có khoảng 60-70% bệnh nhân tiếp tục sống trên 5 năm. Giống với các bệnh ung thư khác, nếu phát hiện muộn, việc điều trị ung thư amidan sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Biến chứng của viêm amidan có thể là gây viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, phế quản, nặng hơn sẽ là thấp khớp, thấp tim, tiểu ra máu nhưng người bệnh chỉ cần cắt amidan là có thể chấm dứt những tình trạng trên. Ngược lại, đối với căn bệnh ung thư amidan, nếu người bệnh phát hiện muộn, khả năng cứu sống là rất thấp vì khi đó các tế bào ác tính sẽ di căn lên xung quanh vùng mũi họng hoặc tiến sâu đến vùng phổi.
Thông thường, ung thư amidan được điều trị bằng cách nạo vét hạch di căn, sau đó sử dụng tia xạ để ngăn chặn các tế bào ác tính lan sang các cơ quan khác xung quanh họng miệng.
Ngày càng nhiều các cơ sở y tế ứng dụng các kỹ thuật phát hiện sớm ung thư vùng tai mũi họng, trong đó bao gồm cả ung thư amidan. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân nào phát hiện thấy vùng cổ (sau xương hàm) xuất hiện hạch, hạch càng lúc càng to, cứng, cảm giác vướng khi nuốt, khó nhai phía bên hạch cổ, cảm giác hơi khó thở, hoặc phát hiện thấy bị viêm đau amidan kéo dài, thì phải nhanh chóng đi khám để sớm phát hiện và có phương pháp điều trị bệnh kị thời. Ung thư amidan là căn bệnh khó phát hiện nhưng không phải là không kiểm soát được những dấu hiệu phát bệnh của căn bệnh này.
Một khi phát hiện những dấu hiệu của ung thư amidan, người bệnh cần tới bệnh viện chuyên khoa khám để có kết quả chính xác nhất. Do có một vài biểu hiện giống nhau giữa ung thư amidan và viêm amidan nên người bệnh không thể chủ quan được.
Nguyễn Hạnh