Lâm Đồng phấn đấu trước năm 2030 khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm
Lâm Đồng sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm để phục vụ du lịch trước năm 2030.
Nhiệm vụ trọng tâm
Ngày 17/8, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 12/6/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại phù hợp với quy hoạch tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trong đó, đến năm 2030, tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có; phấn đấu khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch. Đến năm 2045, phấn đấu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt (bao gồm cả các tuyến đường sắt đô thị monorail) theo hướng hiện đại, đồng bộ theo các quy hoạch được phê duyệt.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trong từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2030, hoàn thiện các cấp độ quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong quy hoạch tại địa phương để định hướng xác định nguồn lực thực hiện. Các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tổ chức lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch vùng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo để đảm bảo cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Ở giai đoạn 2031 - 2045, nhiệm vụ trọng tâm là khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch và triển khai các tuyến đường sắt đô thị monorail Đà Lạt và vùng phụ cận. Tiếp tục rà soát, triển khai các nhiệm vụ của giai đoạn trước năm 2030 cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của từng địa phương, trong đó tập trung nội dung đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tê tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải đường sắt, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế, các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai đường sắt đô thị.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể đối với từng sở, ngành và các địa phương trong toàn tỉnh.
Đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu và đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đầu năm nay, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng trình Bộ GTVT dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.
Báo cáo tiền khả thi cho biết, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đi qua TP Phan Rang (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), dài hơn 83km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung hai ga và hai trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Dự án gồm hai hợp phần, thứ nhất khôi phục đoạn tuyến từ ga Tháp Chàm đến ga Trại Mát dài hơn 76km, khôi phục và xây dựng mới cầu, hầm, ga... Thứ hai, nâng cấp đoạn tuyến từ ga Trại Mát đến ga Đà Lạt đang khai thác dài 6,7km và tôn tạo, bảo tồn các ga Đà Lạt, Trại Mát.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 28.980 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay), trong đó chi phí xây dựng hơn 4.510 tỷ đồng và thiết bị 9.240 tỷ đồng…
Nhà đầu tư đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.160 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2025 đến 6/2029.
Tuyến đường sắt huyền thoại
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng, phục vụ vận chuyển nông sản và du lịch. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m). Từ năm 1975 đến nay không sử dụng. Hiện ngành đường sắt đã khôi phục gần 10 km, đoạn Đà Lạt - Trại Mát để phục vụ du lịch.
Tuyến đường dài 83,5 km, có điểm đầu tại ga Tháp Chàm thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, điểm cuối tại ga Đà Lạt, có khổ đường là 1 m.
Có thể gọi đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là con đường huyền thoại vì đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới: một của Thụy Sỹ và một của Việt Nam. Tuyến đường sắt của Việt Nam được đánh giá kỳ vĩ hơn, vì nó vừa dài lại có độ dốc lớn hơn con đường của Thụy Sỹ (tuyến đường của Việt Nam dài 84 km, trong đó có tới 43 km đường răng cưa qua đèo Sông Pha, trong khi đường sắt răng cưa ở Thụy Sỹ chỉ có gần 25 km ở đoạn vượt qua đèo Furka trên dãy núi Alpes).
Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới, là hành trình nối liền hai vùng sinh thái rừng và biển, đưa du khách đến với độ cao 1.600 m, nơi có nhiều sương mù nhất Đà Lạt, đi qua hàng chục km rừng nguyên sinh hoang sơ với khí trời se lạnh quanh năm. Ga cuối đến trung tâm Đà Lạt có độ cao 1.500 m ở cao nguyên Langbiang mang một nét rất riêng. Khu vực Nhà ga Đà Lạt được đánh giá là một trong những nhà ga có kiến trúc đẹp nhất tại Đông Dương. Công trình kiến trúc nhà ga được công nhận là Di tích kiến trúc Quốc gia năm 2001. Hiện nay, ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc mà du khách khi đến Đà Lạt luôn ghé đến tham quan.
Uy Đạt