Lâm Đồng: Người dân "ngạt thở" vì khói bụi từ vụ cháy bãi rác Cam Ly
Vụ cháy bãi rác Cam Ly đã bước sang ngày thứ 3, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường cảnh quan và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực.
Đám cháy vẫn chưa thể dập tắt
Theo thông tin ban đầu, đám cháy tại bãi rác Cam Ly bắt đầu chiều 11/3 và lây lan diện rộng do thời tiết hanh khô. Đặc biệt, lửa âm ỉ còn tạo khói đen dày đặc, phát tán ra xung quanh khi có gió lớn khiến người dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là các hộ dân sinh sống ở khu vực xã Tà Nung (TP.Đà Lạt) và huyện Lâm Hà.
Bà Lê Thị Đức Hạnh, sinh sống cách bãi rác Cam Ly hơn 2km cho biết, mấy ngày qua, gia đình bà luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Thế nhưng vẫn không chịu nổi mùi hôi nồng nặc và khói đen ngòm từ bãi rác này tràn qua. Gia đình bà Hạnh cũng đã tính tới việc “chạy” khỏi nhà, thuê nhà ở tạm, khi nào bãi rác Cam Ly được dập tắt mới dám quay trở về.
“Khói đen bao phủ, kèm theo mùi hôi rất mạnh khiến gia đình tôi ai cũng bị nhức đầu, khó thở, không thể chịu nổi mặc dù đã đóng kín các cánh cửa khi ngủ!..”, bà Hạnh phản ánh.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều hộ khác sinh sống hoặc làm vườn trong vùng bị ảnh hưởng cũng đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Ở lại không được, nhưng rời nhà để tránh vùng ô nhiễm thì không biết đi đâu vì không phải ai cũng có tiền để ra ngoài thuê nhà.
Quyết dập lửa trong 7 ngày
Ngay sau khi phát hiện hỏa hoạn tại bãi rác Cam Ly, Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt đã huy động xe chở nước tới hiện trường dập lửa. Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã điều động hàng chục CBCS và phương tiện tới hiện trường. Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã nỗ lực tiếp cận các điểm cháy phun xịt nước để dập lửa. Tuy nhiên, do lớp chất thải lâu năm tích tụ quá lớn, cháy âm ỉ dưới lòng đất, khói đen dày đặc kết hợp địa hình hiểm trở nên việc tiếp cận các điểm cháy để dập lửa gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Ông Lê Quang Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt chi biết, hiện đơn vị này đang tăng cường xe bồn chở nước tới phun xịt dập lửa, đồng thời dùng máy múc khoanh vùng, ngăn không cho lửa tiếp tục cháy lan.
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt cho biết, ngay khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại bãi rác Cam Ly, lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt đã chỉ đạo Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất lợi nên công tác cứu hỏa gặp khó khăn. “Lực lượng chức năng đang cố gắng dập tắt vụ hỏa hoạn này trong vòng 7 ngày!..”, ông Nguyễn Đức Cứ cho biết.
Trước đó, tháng 12/2019, bãi rác Cam Ly cũng đã bốc cháy trong thời gian dài buộc UBND TP Đà Lạt phải huy động lực lượng chức năng với phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp tới dập lửa trong nhiều ngày mới tắt.
Năm 2020, bãi rác Cam Ly đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định “đóng cửa" từ ngày 1/1/2021 do bãi rác nằm trên địa hình khu vực sườn núi dốc, nguy cơ sạt lở cao (nhất là vào mùa mưa) có thể gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường cho khu vực hạ lưu. Bãi rác là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ và phải thực hiện đóng cửa theo quy định, do đó không cho phép tiếp tục chôn lấp rác tạm thời tại.
Bãi rác Cam Ly được đưa vào sử dụng từ năm 1976, bãi rác Cam Ly có diện tích 12ha, xử lý rác theo phương pháp thủ công là chôn lấp và phun hóa chất. Năm 2003, bãi rác này đã được Chính phủ đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được xử lý triệt để.
Năm 2015, khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt ở xã Xuân Trường (TP.Đà Lạt) đi vào vận hành, tỉnh Lâm Đồng ra quyết định đóng cửa bãi rác. Sau đó, khu vực này đã được giao cho Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ đô thị TP.Đà Lạt đầu tư để xây dựng vườn ươm Cam Ly.
Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa thực hiện đúng quy mô của dự án, nên hiện tại, nhà máy này mới chỉ xử lý được 80 tấn rác trong tổng số hơn 200 tấn rác thải mỗi ngày.
Trong quá trình hoạt động, Nhà máy nhiều lần phải ngưng nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền. Rác thải không còn nơi chứa, lại quay về bãi Cam Ly từ 2015 cho tới nay và bãi rác này đã thực sự quá tải.
Uy Tín