Chủ nhật, 22/12/2024 13:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/06/2022 17:00 (GMT+7)

Lâm Đồng lại kiến nghị Chính phủ phê duyệt cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Công văn số 4497/UBND - GT trình lại Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế khu vực, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh địa phương với mạng lưới hệ thống giao thông trong khu vực, hệ thống đường giao thông quốc gia.

Đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, giảm ách tắc, tại nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là điểm đen về tai nạn giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc.

"Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng của hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế-xã hội. Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương, đối ngoại, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung.

Lâm Đồng lại kiến nghị Chính phủ phê duyệt cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Ảnh 1
 Dự đoán lượng xe lưu thông qua cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi tuyến đường được xây dựng, đi vào hoạt động.

Tuyến cao tốc này còn rút ngắn khoảng cách kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng và phát triển TP Đà Lạt trở thành một vùng đô thị hiện đại, có đặc thù khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia và hướng tới đưa Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2045", công văn của tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ.

Ngoài ra, trong tờ trình lần này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cập nhật đầy đủ hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

Theo kế hoạch đề ra, tổng diện tích sử dụng đất của dự án sẽ rơi vào khoảng 455 ha. Trong đó, diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha, gồm: 123,37 ha rừng tự nhiên và 69.85 ha rừng trồng.

Tổng thể dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành 3 dự án thành phần. Chính phủ giao riêng UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 dự án cao tốc thành phần, gồm: Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dài 140 km. Đối với dự án Dầu Giây - Tân Phú thì sẽ do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.

Bàn về dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, tuyến này có chiều dài 66,3 km nằm trên đoạn đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km; đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (qua các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc).

Theo đề xuất ban đầu của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sẽ có điểm đầu tại Km 60+100 (trùng với điểm cuối Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú) thuộc địa phận xã Phú Trung (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối Dự án tại Km 126+360 (lý trình đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương), giao với đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng)

Dự án được phân kỳ đầu tư, ở giai đoạn đầu (từ nay đến 2025) nhà thầu dự kiến đạt quy mô nền đường tối thiểu là 13,5m với 2 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp. Các đoạn tuyến đào sâu, đắp cao được nghiên cứu theo quy mô nền đường 22m, tạo thuận lợi cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh. Các đoạn vượt xa bố trí mặt cắt ngang với quy mô 4 làn xe cơ giới. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư đạt quy mô nền đường rộng 22m với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp.

Trong giai đoạn phân kỳ, UBND tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2025; giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư sau năm 2035.

Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 16.220 tỉ đồng, được cho là giảm hơn 3.000 tỉ so với phương án ban đầu (19.500 tỉ đồng) được trình Chính phủ năm 2021.

Trong đó, ngân sách từ nhà nước là 6.500 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỉ đồng và các vốn huy động khác là 8.260 tỉ đồng.

Dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong vòng 23 năm 4 tháng (theo dự kiến) với mức phí khởi điểm là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo.

Huỳnh Mai (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng lại kiến nghị Chính phủ phê duyệt cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới